Chưa từng nản lòng trong công tác khuyến đọc
- Thời gian gần đây, chị có những hoạt động nào?
Mọi công việc của tôi vẫn liên quan văn chương, báo chí: làm báo, viết văn, dẫn sự kiện mảng sách. Vài năm gần đây, tôi thường xuyên đến các trường cấp 1, 2, 3 ở địa bàn TP.HCM lẫn các tỉnh để chia sẻ với các em về ước mơ, việc đọc sách, hình thành thói quen đọc.
- Một phóng viên, biên tập viên, nhà văn duy trì thói quen đọc thế nào?
Trước đây tôi đọc rất nhiều, chủ yếu là sách văn học, sau này bận nên đọc ít hơn xưa. Tôi đọc chủ yếu tác phẩm mới của các tác giả trong nước để giới thiệu đến độc giả, thính giả cũng như phục vụ cho công việc dẫn sự kiện ra mắt sách.
Hiện tôi không còn đắm chìm trong các tác phẩm văn học mà mở rộng nhiều thể loại hơn. Làm việc với doanh nghiệp, tôi thích dòng sách về doanh nhân, văn hóa xây dựng doanh nghiệp, phát triển tư duy.
Ngoài đọc, tôi còn nghe sách nói, rất hữu ích cho người bận rộn, di chuyển nhiều. Vài năm nay, tôi đọc gần như chỉ để phục vụ công việc, chỉ những dịp nghỉ dài như lễ Tết mới chọn đọc 1 cuốn nào đó yêu thích.
- Nhiều năm làm công tác khuyến đọc, theo chị, khiến một người không có thói quen cầm quyển sách dễ hay khó?
Với người lớn, tôi chọn chia sẻ, chẳng hạn đọc cuốn nào hay thì kể lại, vì vậy mà mất sách vào tay bạn bè hoài (cười). Với trẻ em, tôi mới nói đến các hoạt động khuyến đọc vì thói quen phải được hình thành càng sớm càng tốt.
Nhiều năm đi các trường, trung tâm đến những nhóm nhỏ, tôi luôn tìm cách gieo vào các bé niềm vui đọc sách thông qua trò chơi, kể chuyện, đặt câu hỏi, trao đổi...
Gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành thói quen đọc của trẻ. Tôi tập cho con đọc sách từ nhỏ, đến nay bé học lớp 9 đọc nhiều và nhanh hơn mẹ.
Tôi làm hết khả năng nhưng không quá kỳ vọng hay chú trọng vào đối tượng nào nên chưa bao giờ nản lòng.
Phương Huyền đã không còn buồn mãi nữa
- Từ những tác phẩm về tình yêu, thật tò mò nhà văn Phương Huyền thời nữ sinh áo trắng thế nào?
Từ nhỏ đến thời sinh viên, tôi vẫn luôn tự ti vì xấu, đen, ốm lại là con nhà nghèo. Là con út, tôi được cha mẹ cưng chiều dù nhà rất khó khăn. Lúc ấy, tôi đã cá tính và hơi bướng nhưng cũng khá yếu đuối, trùm mít ướt.
Hồi cấp 3, tôi học khá trong một lớp chọn toàn "thứ dữ". Vì mê văn, thích viết lách và yêu văn nghệ, tôi được bạn bè, thầy cô để ý.
Giọng tôi pha Bắc Trung Nam vì sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Quảng Bình, học đại học ở TP.HCM. Các thầy cô dạy văn hay gọi tôi đọc bài trên lớp, sau này làm phát thanh, cứ như nghề chọn mình vậy. Khi được nhiều thính giả yêu thương, tôi mới biết giọng mình cũng "được" đấy chứ!
Hồi nhỏ, tôi mê đọc ghê lắm, cứ sách có chữ là đọc, lớp 4 đã "ngấu nghiến" truyện ngôn tình. Không còn gì đọc thì nghe đài, chiều nào cứ đến 4h là kè kè chiếc radio nhỏ xíu để nghe Đọc truyện thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những thói quen ngày đó nuôi dưỡng "máu" viết lách trong tôi.
Tôi tập tành viết khoảng giữa cấp 2 nhưng đến đại học mới có những bài viết cộng tác đầu tiên được đọc trên sóng Văn học tuổi xanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM - cũng là chương trình tôi biên tập, gắn bó hơn 20 năm nay.
Năm thứ 3, tôi in tập truyện đầu tiên trong tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng. Khi ấy, tôi viết vì mong muốn, non nớt nhưng nhiều đam mê.
- Những cuộc tình mãnh liệt chị viết thời trẻ có bao nhiêu % từ câu chuyện của mình?
Tôi có đưa trải nghiệm cá nhân vào tác phẩm nhưng văn chương không phải toán học mà cộng trừ nhân chia.
Với tác phẩm, hãy để bạn đọc tự đón nhận. Có người khăng khăng cô gái trong truyện là Phương Huyền, có người theo câu chuyện tôi kể tìm đến một cửa tiệm ở Hội An, cũng có người bảo "Xạo ấy chứ yêu kiểu đó thì chết à”. (cười)
Nhiều năm theo chuyên gia Lý Thị Mai trong chương trình Trò chuyện đêm khuya trên kênh FM 99.9 MHz, tôi lắng nghe hàng ngàn, hàng vạn mảnh đời, câu chuyện, khóc cười với họ - chất liệu sống động, chân thực nhất cho các tác phẩm.
- Cô gái yêu đắm đuối, dại dột ngày nào lại "tỉnh" hơn nhiều trong 'Yêu một chút cũng đâu có sao', cho thấy điều gì thay đổi ở tác giả?
Tôi thay đổi nhiều lắm. Hồi nhỏ dễ khóc, lớn lên vẫn đa cảm, hay buồn vu vơ. Nhưng sau cuốn Không gì là mãi mãi, tựa sách như thể "linh nghiệm", Phương Huyền đã không còn buồn mãi nữa.
Tôi thấy buồn mệt quá, cảm xúc ấy làm mục ruỗng bên trong mình. Nhờ cơ duyên, tôi gặp những người có đời sống tích cực, giúp mình nhận ra buồn nhiều cũng đâu được gì.
Năm 2018, tôi bắt đầu có những dự án viết sách cho doanh nghiệp - bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp. Tôi học nhiều điều ở các doanh nhân, dần thay đổi cách sống và tư duy.
Tôi bắt đầu chú trọng sức khỏe, ăn ngủ và làm việc khoa học hơn, tập thể dục đều hơn. Khi thân khỏe, tâm an, tự nhiên mọi thứ thay đổi, trang viết cũng từ đó trở nên tích cực. Tôi sợ nhân vật đau, sợ cuộc đời họ trở nên bế tắc nên các tác phẩm sau này luôn cho họ lối đi, có hướng mở, có hy vọng.
- Viết truyện bay bổng, "ướt át", ngoài đời chị thế nào?
Nhiều người “sốc” khi tiếp xúc Phương Huyền ngoài đời. (cười) Tôi cá tính, có phần hơi “nhây”. Lần đầu gặp mặt dễ khiến người khác ngại tiếp xúc vì mặt lạnh, làm việc cùng lại thấy quá nhiều năng lượng. Tóm lại là kiểu không dễ làm thân nhưng đã thân thì gần gũi lắm.
Chưa thấy có thành tựu gì
- Viết cho tuổi mới lớn, phụ nữ rồi bỗng viết cho thiếu nhi và đạt một số thành tựu, chị đánh giá cú rẽ này là gì?
Tôi lại không xem là cú rẽ gì quá ghê gớm, mọi thứ cứ đến tự nhiên thôi. Có lẽ, tôi đi đúng lộ trình: thời trẻ viết cho tuổi mới lớn, lấy chồng viết cho phụ nữ, sinh con lại viết cho thiếu nhi. Tôi chưa thấy mình có thành tựu gì. Hơn chục cuốn sách, một lượng bạn đọc vừa phải, không nhiều đánh giá từ giới chuyên môn cũng chẳng có giải thưởng. Văn chương là một phần trong cuộc sống lẫn công việc và tôi yêu nó.
- Điều gì chị đưa vào tác phẩm được rút ra từ quan sát, kỷ niệm và tình yêu dành cho con?
Tôi đọc sách cho con từ khi bé chưa nói sõi. Khi con biết hát, vợ chồng tôi thay phiên nhau kể chuyện. Tôi “bịa” ra đủ chuyện, con vật này đến con vật nọ. Đến một ngày, tôi chợt nghĩ đến việc viết lại chúng thành một tập truyện, rồi Cái tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú ra đời.
Cuốn Những thiên thần của người gác rừng bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên, yêu rừng và những nơi đã gắn bó tuổi thơ tôi. Mỗi dịp về thăm quê nhà, nhìn những mảng núi đá vôi trắng nhởn vì bị nổ mìn khai thác, những cánh rừng cháy khô, tôi đau.
Phương Huyền đời thường.
Tôi nuôi ý tưởng đó cả năm trời cùng câu hỏi làm sao để thông điệp bảo vệ rừng gần gũi với các con. Tôi đưa những bạn thú nhồi bông con yêu quý nhất vào truyện, để chúng trò chuyện như hai mẹ con vẫn thường trao đổi với nhau.
Tuy nhiên, đây không phải câu chuyện riêng mà tôi gửi đến tất cả bạn nhỏ. Các con chính là những thiên thần bảo vệ rừng, thiên nhiên và nguồn sống của chúng ta.
- Vì sao chị thoải mái nhận viết theo đơn đặt hàng? Nếu mức cát-sê hấp dẫn nhưng chị không thích, không hợp quan điểm... thì sao?
Tôi đã chấp bút 4 cuốn sách cho cá nhân và doanh nghiệp. Mảng này khá thú vị, một số tác giả giấu nhưng tôi luôn hạnh phúc khi hoàn thành một dự án. Viết theo đơn đặt hàng không dễ và đương nhiên là cách kiếm thêm thu nhập quá tốt. Tôi đang mong nhận được lời mời với mức cát-sê hấp dẫn mà chưa thấy đây! (cười)
Nói vui chút, sự thật tôi có nguyên tắc riêng. Tôi từng từ chối một số đề nghị vì nếu không thuận tay chưa kể đến không hợp quan điểm.
Tôi thích mảng văn hóa doanh nghiệp, những doanh nghiệp quan tâm đến giá trị con người, biết san sẻ, đùm bọc và nâng đỡ nhau trong khó khăn. Bốn cuốn tôi chấp bút đều chuyển tải giá trị đó.
Nghề báo và MC cũng vậy, tôi hầu như chỉ nhận những việc mình vui thích hoặc thấy có giá trị. Dĩ nhiên sẽ có lúc phải làm những thứ không thích nhưng chỉ một phần thôi. Tôi chưa bao giờ phải lựa chọn hay đánh đổi giữa nghề nghiệp và mưu sinh trong gần 20 năm làm nghề.