Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội…”. 

Chính vì thế, suốt thời gian qua, các hoạt động văn hóa - văn nghệ đã góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam; giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam; bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Nhiều vở diễn lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Người cầm lái - vở nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ do Nhà hát Công an nhân dân dàn dựng ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội giữa tháng 5/2022 đã chinh phục khán giả khó tính nhất. Qua nhạc kịch Người cầm lái, các nghệ sĩ đã làm nổi bật hình tượng vừa gần gũi vừa vĩ đại về Bác - người anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới và là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Yếu tố để vở nhạc kịch chinh phục người xem bởi tác phẩm này có tất cả 200 diễn viên tham gia, sự mới lạ ở việc kết hợp truyền thống với hiện đại, có nghệ thuật opera hòa quyện với thi pháp thể loại của sân khấu truyền thống.

Cảnh trong vở nhạc kịch 'Người cầm lái'. 

Chùm 3 vở kịch ngắn của Nhà Kịch Việt Nam lại có góc nhìn khác về vị cha già của dân tộc Việt Nam. Vở Đoàn kết là sức mạnh kể câu chuyện thời kỳ chống Pháp. Những chia rẽ nội bộ trong đơn vị bộ đội, sự đối lập giữa tính nghiêm minh và lòng trắc ẩn, vị tha đã được Bác Hồ "hoá giải". Từ đó những cá nhân đơn lẻ tìm thấy con đường hòa vào cuộc chiến đấu chung.

Vở kịch ngắn Bác Hồ và mùa xuân năm ấy lại cho thấy quan điểm gần dân, việc Bác quan tâm đến đời sống người nghèo.

Vở Đôi mắt sáng lại kể câu chuyện hậu chiến, khi người chiến sĩ trở về mù lòa tự cô lập mình, từ chối tình yêu cuộc sống. Cảm hứng sống của người chiến sĩ đã trở lại sau lần gặp Bác Hồ.

Qua 3 vở kịch ngắn của Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, các nghệ sĩ đã đưa hình tượng Bác Hồ đến với công chúng một cách thân thuộc, gần gũi, yêu thương.

Vở kịch Lá đơn thứ 72 của sân khấu Lệ Ngọc do NSND Lê Tiến Thọ đạo diễn, dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du đã khắc hoạ Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vị thánh có thật trên đời. Lá đơn thứ 72 khai thác nguyên mẫu ông Đỗ Văn Chồi – người đảng viên từng là cán bộ địa phương đã phải lĩnh án tù vì tội danh giết người dù ông chỉ tình cờ có mặt tại hiện trường một vụ án. Ông ngồi tù đầy oan ức, liên tục viết thư kêu oan. Lá đơn kêu oan thứ 72 đến được với Hồ Chủ Tịch, oan sai của nhân vật Đỗ Minh mới được hóa giải".

Vở kịch đã khắc họa chân thực nhất, thuyết phục nhất về "Người cha già" luôn hết lòng vì dân, vì nước, gần dân, quan tâm tới người yếu thế nhất. Và qua Lá đơn thứ 72, đồng thời thúc đẩy thế hệ hôm nay đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Gần đây nhất, Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt vở Nợ nước non của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Vở diễn là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm xứ Nghệ; ca Huế; bài chòi và dân ca Nam bộ.

Bằng những lát cắt lịch sử, ê-kíp thực hiện đã khắc họa sâu sắc về tuổi thơ cũng như quá trình phát triển tư tưởng, khát vọng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành từ khi sinh ra, lớn lên khi đất nước đã đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Người sớm chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mảnh đất giàu truyền thống xứ Nghệ, được giáo dục bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, ý chí ham học hỏi, ham hiểu biết từ cha mẹ… đã nuôi dưỡng, hun đúc trong Nguyễn Tất Thành tình yêu nước, thương dân với một thiên hướng đặc biệt.

Với đề tài gia đình, Nhà hát Tuổi trẻ cho ra mắt vở kịch Ông không phải là bố tôi - một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Với cốt truyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại từ hơn 30 năm trước vẫn hiện hữu như một chân lý sống, làm rung động bao thế hệ khán giả.

Những lời ca dâng Bác

Những giai điệu, cảm xúc thiêng liêng về vị Bác Hồ luôn sống trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt và cứ đến dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người lại cất lên đầy chan chứa, yêu thương.

Bác Hồ một tình yêu bao la là chương trình nghệ thuật đặc sắc do báo Văn hoá tổ chức. Đêm nhạc là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay kính dâng lên Bác. Một lần nữa, khán giả được nghe lại những giai điệu đi cùng năm tháng với những ca khúc nổi tiếng luôn chiếm trọn những tình cảm thiêng liêng nhất trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam.

Chương trình Người mẹ làng Sen do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức với mục đích tôn vinh hình tượng Bà Hoàng Thị Loan - người mẹ, người phụ nữ đảm đang, nhân hậu đã góp phần quan trọng hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Chương trình nhằm khẳng định vai trò, phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam được kế thừa, hun đúc để tiếp tục xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc.

Với triển lãm Hành trình theo chân Bác, người dân tham quan, thưởng lãm các tác phẩm, tư liệu, hình ảnh khắc họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người; về hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưng bày Đứng lên và Cất tiếng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) góp phần tôn vinh chặng đường hoạt động sôi nổi của một nhà báo vì nước - nhà báo Hồ Chí Minh; tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong khi đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề Những tấm gương bình dị mà cao quýTuổi trẻ - Mùa xuân đất nước.

Nội dung các triển lãm cũng góp phần lan tỏa rộng rãi những tấm gương tiêu biểu, qua đó tuyên truyền cảm hứng, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo cho toàn dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện trong tư tưởng về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngoài những chương trình nghệ thuật với những lời ca dâng Bác, nhiều sự kiện khác cũng được tổ chức như chương trình Việt Nam thân thiện – mở màn khai mạc SEA Games 31. Chương trình nghệ thuật của lễ khai mạc được đánh giá là điểm nhấn văn hóa quan trọng nằm giới thiệu hình ảnh của một đất nước Việt Nam thân thiện và hiếu khách, một Đông Nam Á đoàn kết, mạnh mẽ và sẵn sàng tỏa sáng.

Sắp tới đây, nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022), nhiều chương trình nghệ thuật cũng diễn ra, đặc biệt là Hoà nhạc quốc gia Điều còn mãi do Báo VietNamNet tổ chức vào lúc 14h chiều 2/9. 

Ngân An