Mặc dù có được những kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao, nhưng theo các nhà quan sát, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đạt được các nhóm mục tiêu, chỉ số đề ra trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, cũng như các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững.
Những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển bền vững không chỉ liên quan đến DN, bảo vệ môi trường, giữ rừng, đất, nước… mà còn cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề xã hội, thường chỉ được chú ý sau tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa |
Thách thức lớn nhất là làm sao cho tất cả mọi người nhận thức được đây là việc phải làm. Để lan tỏa tinh thần, đòi hỏi phát triển bền vững, trước hết trong cộng đồng, không hề dễ dàng, thuận lợi.
Từ những kinh nghiệm, bài học trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng “điều mọi người dễ đồng ý với nhau là tất cả mọi người Việt Nam đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải chống dịch, trước hết vì bản thân, với những người thân, vì cộng đồng và rộng hơn nữa là cả thế giới”. Phát triển bền vững cũng chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người, từng người đều nhận thức đã phát triển là phải bền vững.
Do vậy, ngoài tuyên truyền, vận động, khuyến khích, chúng ta phải xây dựng khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách đi kèm. Những nhân tố đi ngược lại mục tiêu phát triển bền vững phải bị xử lý. Những nhân tố nào phát triển, định hướng phát triển bền vững thì được ưu tiên các nguồn lực, được trợ giúp, tôn vinh trong xã hội.
Văn Hùng