Nhân chuyến thăm Hà Nội của ông Jean Marc Probst - Chủ tịch Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé, vừa qua, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Viện Pháp tại Hà Nội, Trường Tiểu học Nghĩa Tân và Dự án Sách nhà mình tổ chức một buổi giao lưu xung quanh tác phẩm “Hoàng tử bé”.

Jean-Marc Probst là chủ sở hữu một bộ sưu tập hơn 6.200 ấn bản “Hoàng tử bé” bằng hơn 500 ngôn ngữ, cùng hàng ngàn vật phẩm đủ các thể loại khác liên quan đến tác phẩm này.

Tại sự kiện, ông Jean-Marc Probst chia sẻ nhiều câu chuyện xoay quanh cuốn sách “Hoàng tử bé” và tác giả Antoine De Saint-Expéry. Ông cho rằng “Hoàng tử bé” là cuốn sách viết cho những người cần sự an ủi trong tâm hồn, chứa đựng những tư tưởng triết học sâu xa, tôn vinh các giá trị của cuộc sống, là tình bạn, tình yêu, trách nhiệm..., và phù hợp với mọi lứa tuổi.

Hoàng tử bé.jpg
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giao lưu với học sinh về nội dung tác phẩm "Hoàng tử bé".

Tác phẩm “Hoàng tử bé” có tên gốc tiếng Pháp là “Le petit prince”, được phát hành lần đầu năm 1943 tại New York, Mỹ, nơi Antoine de Saint-Exupéry lưu vong trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới lần II diễn ra ác liệt. 

Bản dịch tiếng Anh của Katherine Woods được phát hành đồng thời với tựa “The Little Prince”. Đây là bản duy nhất phát hành lúc sinh thời của tác giả, vì sau đó ông được huy động làm phi công chiến đấu cho quân kháng chiến Pháp và đã mất tích trong một chuyến bay làm nhiệm vụ ngày 31/07/1944. Sau khi Chiến tranh Thế giới lần II kết thúc, tác phẩm mới được phát hành chính thức tại Pháp, vào tháng 4/1946.

“Hoàng tử bé” kể câu chuyện một cậu bé tóc vàng du hành qua các vì sao đi tìm kiếm một người bạn, tìm kiếm một ý nghĩa thật sự cho cuộc đời mình…

70 năm sau khi ra đời, “Hoàng tử bé” đã có hơn 1.300 bản dịch khác nhau với trên 270 ngôn ngữ, bán ra khoảng 145 triệu bản sách. 

Giới nghiên cứu và phê bình cả về văn chương lẫn sư phạm đã đúc kết rằng “Hoàng tử bé” là một tác phẩm mà người đọc ở mọi lứa tuổi, thuộc mọi chủng tộc, qua mọi nền văn hoá đều có thể đọc được và hiểu được một cách dễ dàng. Đây là một tác phẩm mà trẻ em sẽ hiểu được theo cách của trẻ em, người lớn tất hiểu được theo kiểu người lớn, người già lại hiểu được những lớp ngữ nghĩa tiềm ẩn chỉ lộ ra qua trải nghiệm sống của mình.

Ở Việt Nam, từ bản dịch đầu tiên phát hành năm 1966, đến nay đã có hàng chục bản dịch của các dịch giả khác nhau. Trong tiếng Anh có 5 bản dịch, tiếng Ba Lan có đến 12 bản dịch, thậm chí tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hoa có trên 15 bản dịch.

Ở Pháp và Canada, nơi giáo viên có quyền lựa chọn tác phẩm để dạy môn Ngữ văn, “Hoàng tử bé” thuộc nhóm những tác phẩm được lựa chọn nhiều nhất ngay từ bậc tiểu học. Tác phẩm này thậm chí còn được dùng để dạy triết học cho trẻ em. Liên tục từ tiểu học lên trung học, “Hoàng tử bé” được dùng để dạy ở nhiều lớp, với nhiều tầng nội dung khai thác từ đơn giản đến phức tạp. Có thể xem đây là một tác phẩm kinh điển trong giai đoạn chuyển tiếp từ chương trình “văn học thiếu nhi” (cuối tiểu học, đầu trung học cơ sở) sang chương trình “văn học người lớn”.

Dịch giả Nguyễn Tấn Đại, nhà nghiên cứu về giáo dục và truyền thông khoa học, đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đã bắt đầu dịch “Hoàng tử bé” từ năm 2000 với tâm thế dành tặng bản dịch cho người mình yêu. Từ đó đến nay ông vẫn gần như trung thành với bản dịch đầu tiên, chỉ thay đổi, sửa chữa một số câu từ cho gần hơn với văn phong của bản gốc.

“Tôi có may mắn được tiếp cận trực tiếp bản gốc năm 2000, ấn bản năm 1999 của nhà xuất bản Gallimard. Ấn bản này được in lại với những chi tiết và hình minh hoạ sát thực nhất với bản in đầu tiên năm 1943 tại Mĩ, trong khi những bản vẫn được lưu truyền và in đi in lại (mà các bản dịch tiếng Việt xưa nay thường sử dụng) đã mất hoặc sai lệch nhiều chi tiết suốt mấy chục năm liền. Không dám đưa ra một phép so sánh, chỉ là tự thấy có những cảm nhận đồng điệu với tác phẩm này, nên tôi xin hân hạnh giới thiệu bản dịch của mình, với hy vọng giữ được các thông điệp quan trọng của tác giả, cũng như nhịp điệu thơ mộng của cuộc hành trình cậu bé khám phá vũ trụ, cũng là khám phá chiều sâu tấm lòng con người. Dù ít nhiều người đã từng đọc qua, hay đọc đi đọc lại nhiều lần, song biết đâu mỗi khi đọc lại chúng ta lại có một khám phá mới mẻ hơn thì sao!”, dịch giả Nguyễn Tấn Đại nói.

Bản dịch của Nguyễn Tấn Đại xuất bản lần đầu năm 2005. Bản dịch này đã được hiệu chỉnh lần một vào năm 2011, biên tập bổ sung lần hai năm 2020. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chính thức xuất bản lần 2 trong năm 2021, tái bản có chỉnh sửa năm 2022 và tiếp tục tái bản lần 3 năm 2023.

Bày tỏ ấn tượng đẹp khi học sinh khối song ngữ Pháp - Việt của trường Nghĩa Tân rất hào hứng lắng nghe và trả lời các câu hỏi liên quan đến Hoàng tử bé bằng vốn tiếng Pháp đáng nể, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong rằng việc học văn trong nhà trường sẽ được mở rộng ra thành những buổi giao lưu như thế này, để học sinh không chỉ biết về một tác phẩm qua trích đoạn trong sách, mà còn mở rộng tầm hiểu biết ra toàn tác phẩm, tìm hiểu sâu hơn về tác giả, dịch giả, và rộng ra nữa là tìm hiểu thêm về những nền văn hoá khác nhau trên thế giới”.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động đáng chú ý như: Trưng bày sách Hoàng tử bé bản tiếng Chăm (do anh Inrawira Indrajaya ở An Giang dịch; Quỹ Hoàng tử bé đã tài trợ in 800 cuốn sách để tặng cho học sinh người Chăm tại Việt Nam); Trưng bày tranh vẽ Hoàng tử bé (từ cuộc thi vẽ tranh do Nhà xuất Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2022); Trưng bày áo dài Hoàng tử bé (Hội quán Các bà mẹ)… 

Phạm Bình Minh, Hồ Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Ngọc Trang