Huyện Lang Chánh hiện có 50.000 ha diện tích rừng, thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, huyện đã khuyến khích người dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng.
Lang Chánh: Thâm canh vầu đắng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Đồng thời, thực hiện phong trào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, các tổ chức và bà con nông dân toàn huyện đã trồng mới 1.450 ha rừng tập trung; trồng lại rừng sau khai thác hơn 2.988 ha. Huyện cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có thể kể đến mô hình thâm canh 40 ha cây vầu đắng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, được thực hiện tại xã Yên Khương.
Việc phát triển chế biến gỗ luôn được huyện quan tâm, hiện trên địa bàn có 13 cơ sở đang sản xuất, chế biến lâm sản, các sản phẩm chủ yếu là vàng mã, tăm xiên, đũa ăn, dăm gỗ keo, gỗ xẻ, ván sàn. Các cơ sở sản xuất này đang tạo việc làm cho 300 - 350 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn với công suất chế biến ước đạt từ 400-600m3/ngày, như: HTX chế biến lâm sản Lang Chánh, Công ty CP Lâm sản Lang Chánh; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tuấn Vinh...
Những năm gần đây, tỷ lệ các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ xẻ, gỗ thanh cũng phát triển mạnh với các sản phẩm chế biến chủ yếu, như: Dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván thanh, chế tác và kinh doanh đồ mộc gia dụng. Cùng với tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, các cơ sở, doanh nghiệp còn thu mua lâm sản từ các địa bàn lân cận để sản xuất. 3 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất lâm nghiệp huyện Lang Chánh đạt 150 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Hoài Linh
Ảnh: Hồng Khanh