Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn năm 2024, hiện địa phương có hơn 95.000 người cao tuổi, chiếm gần 12% dân số toàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên là hơn 12.600 người.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, việc cấp và khám chữa bệnh cho người cao tuổi bằng thẻ BHYT được thực hiện đúng quy định; 100% người cao tuổi thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo… đều được cấp thẻ BHYT và hỗ trợ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Hiện, 95% người cao tuổi có thẻ BHYT. 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho nhóm đối tượng từ 60 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng được truyền thông giáo dục về sức khỏe, được lập hồ sơ quản lý, theo dõi và tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm do trạm y tế cấp xã tổ chức thực hiện.

W-bhyt nguoi cao tuoi vnn.jpg
 Bảo hiểm y tế đã trở thành “điểm tựa” quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh minh họa: Hà Linh

Trên 90% người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cán bộ y tế đến khám chữa bệnh tại nhà. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 bệnh viện và 3 khoa Lão khoa để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bố trí 195 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi. 13 nhân viên y tế cũng được đào tạo chuyên về lão khoa. Hầu hết bệnh viện tuyến huyện đều có các giường điều trị ưu tiên dành cho người cao tuổi điều trị nội trú.

Bên cạnh đó, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và người có công với cách mạng là nhóm đối tượng khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đều được ưu tiên và được phổ biến bằng quy định cụ thể tại các cơ sở y tế.

Người cao tuổi ở Việt Nam nói chung và tỉnh Lạng Sơn hầu hết đều mắc cùng lúc nhiều bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, cơ xương khớp,... Họ cũng là nhóm đối tượng dễ mắc các rủi ro sức khỏe khác, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo. Thẻ BHYT như là điểm tựa vững vàng để người cao tuổi yên tâm điều trị, giảm tối đa gánh nặng tài chính, góp phần nâng cao chất lượng sống, tuổi thọ và tạo động lực để người cao tuổi phát huy vai trò “tuổi cao gương sáng” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Theo số liệu Sở Y tế Lạng Sơn, trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1,4 triệu lượt khám chữa bệnh, 30% trong đó là người cao tuổi. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đồng thời, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT nội trú đã tạo nhiều thuận lợi cho người cao tuổi tham gia.  

Tại khoa Phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, 65% bệnh nhân là người cao tuổi, đến viện theo định kỳ thường từ 1 đến 4 lần/năm. Chi phí cho mỗi lần điều trị khá tốn kém. Các bác sĩ thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bệnh nhân đăng ký mua thẻ BHYT để được Quỹ BHYT thanh toán, giảm gánh nặng về kinh tế.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của thẻ BHYT đối với người dân, đặc biệt là người cao tuổi, thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp rà soát cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi đủ điều kiện đầy đủ, kịp thời theo quy định; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát triển BHYT đối với người cao tuổi và đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất để người cao tuổi được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, có thêm hơn 7.400 người cao tuổi ở Lạng Sơn tham gia BHYT, lũy kế toàn tỉnh có khoảng 114.500 người cao tuổi tham gia BHYT, chiếm 16,2% tổng số người tham gia, trong đó 100% người cao tuổi thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội đều được cấp thẻ BHYT. 

“Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025, 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

 Hà Linh