Đưa HTX phát triển cả về lượng và chất
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, đến nay tỉnh có 478 HTX đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ 1.017,52 tỷ đồng; số thành viên tham gia vào HTX là 5.752 người; tổng số lao động (gồm cả thành viên) thường xuyên trong HTX là 7.963 người.
Bắt nhịp với tiến trình sản xuất hữu cơ, nông sản sạch, kinh tế hàng hóa, một số HTX đã thay đổi hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị; nhiều HTX đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển…
Đặc biệt, căn cứ phân loại theo Thông tư 01 ngày 19/2/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX, hiện tỉnh Lạng Sơn có 21% HTX hoạt động khá, tốt; 64% HTX hoạt động trung bình và vẫn còn 15% HTX hoạt động yếu kém. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt 3,8 đến trên 5,5 triệu đồng/người/tháng; tùy lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó tỷ lệ HTX hoạt động trung bình, yếu còn cao.
Định hướng của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới là tập trung đẩy mạnh hoạt động các HTX hiện có, thành lập mới các HTX trong các lĩnh vực địa phương có thế mạnh; trong đó thay đổi mô hình HTX kiểu mới. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho HTX. Qua đó, giúp các HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung trên địa bàn.
Đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh
Nhận xét về quy mô của các HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Liễu Xuân Du thẳng thắn nhìn nhận: Đa phần các HTX đều có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ; nhiều HTX hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, sức cạnh tranh của sản phẩm thấp; chưa quan tâm phát triển thị trường, thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; việc tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh còn chậm.
Xác định rõ những khó khăn, hạn chế của các HTX, trong 3 năm qua Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX; tư vấn, hướng dẫn các HTX thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm…
Theo đó, trong 2 năm (2022 và 10 tháng đầu năm 2023), Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, thành viên HTX với các nội dung liên quan đến nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị HTX; hướng dẫn thực hiện các bước để tiếp cận các chính sách hỗ trợ HTX; kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số… với 810 lượt cán bộ quản lý, thành viên HTX tham gia.
Đồng thời tư vấn, hướng dẫn 7 HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX, hỗ trợ trí thức trẻ về làm việc và hỗ trợ lãi suất tín dụng; trực tiếp hỗ trợ 3 HTX tham dự hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở cả trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn trên 30 HTX vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại với đại diện gần 100 lượt HTX trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX.
Nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, nhiều HTX nông nghiệp và dịch vụ đã có những bước chuyển mình, một số HTX với các sản phẩm OCOP đã vươn tầm với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm ở cả trong và ngoài tỉnh. Ví dụ, HTX Nông sản sạch Tràng Định (huyện Tràng Định), HTX Thủy sản Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn), HTX sản xuất na sạch Đồng Bành (huyện Chi Lăng)… đã có cả sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.
Cũng chính từ các cuộc đối thoại giữa Liên minh HTX và các HTX thành viên, nhiều HTX đã tự tin kiến nghị, đề xuất liên các chính sách liên quan để phát triển theo mô hình HTX kiểu mới và đặt mục tiêu đưa hàng nông sản Lạng Sơn xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…