Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố thông tin về việc bán giải chấp chứng khoán của một tổ chức và của chủ tịch tại một doanh nghiệp bất động sản thuộc nhóm 30 cổ phiếu trụ cột (VN30) trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, Chứng khoán TVSI sẽ bán giải chấp 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings từ ngày 7/11. Đây là cổ đông lớn thứ 2 tại CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR). Số cổ phiếu dự kiến sẽ bán giải chấp tương đương gần 10% số lượng cổ phiếu PDR mà Phát Đạt Holdings đang nắm giữ.

Cũng theo TVSI, công ty này cũng sẽ bán giải chấp là 750.000 cổ phiếu PDR của Chủ tịch HĐQT Bất động sản Phát Đạt - ông Nguyễn Văn Đạt từ ngày 7/11. Ông Đạt hiện nắm giữ hơn 332 triệu cổ phiếu PDR, tương đương hơn 49%.

Khoảng nửa tháng trước, theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), Chủ tịch DIC Corp (DIG) Nguyễn Thiện Tuấn và nhiều cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan của DIG cũng bị bán giải chấp, tổng cộng lên tới 8,6 triệu cổ phiếu DIG. Trong đó, ông Tuấn bị bán giải chấp hơn 3 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu xuống còn gần 58,5 triệu đơn vị, tương đương 9,59% cổ phần.

Thị trường chứng kiến những đợt bán giải chấp mạnh kể từ tháng 5/2022. (Ảnh: Hoàng Hà)

Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp cũng đã bị công ty chứng khoán (CTCK) bán giải chấp gần 1,4 triệu cổ phiếu DIG vào cuối tháng 10.

Cổ đông lớn nhất của DIC Corp là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân đã bị bán 4,2 triệu cổ phiếu DIG, giảm sở hữu xuống còn gần 89,8 triệu cổ phiếu DIG.

Cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Tuấn Anh - thành viên độc lập HĐQT CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hoseco, mã HDC) và tổ chức có liên quan vừa bị bán giải chấp hàng trăm nghìn cổ phiếu HDC và giảm tỷ lệ sở hữu về gần 0%. Đây không phải lần ông Nguyễn Tuấn Anh và tổ chức có liên quan là Đầu tư Thiên Anh Minh bị CTCK bán giải chấp cổ phiếu.

Trước đó, "thầy A7" Nguyễn Mạnh Tuấn cũng đã bị bán giải chấp cổ phiếu L14. Gần đây, chị ông Tuấn - bà Nguyễn Thuý Ngư đăng ký bán hơn 705.000 cổ phiếu L14 trong tháng 11 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Hoạt động bán cổ phiếu hoặc/và bị bán cổ phiếu giải chấp của lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết hoặc tổ chức có liên quan diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều cổ phiếu bốc hơi 50-90%.

Cổ phiếu PDR vừa trải qua 13 phiên giảm liên tiếp với phiên gần nhất vào ngày 4/11 giảm sàn và trắng bên mua. Mở cửa phiên sáng 7/11, PDR tiếp tục giảm sàn xuống 34.900 đồng/cp và cũng trắng bên mua. Cổ phiếu này giảm hơn 50% từ đỉnh hơn 73.000 đồng/cp hồi cuối năm 2021 xuống mức 34.900 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của Phát Đạt giảm hơn 24.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Nhà đầu tư cá nhân không còn mặn mà với thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới giảm mạnh. (Biểu đồ: M. Hà)

Cổ phiếu DIC giảm từ khoảng 103.000 đồng hồi đầu năm 2022 xuống mức 15.450 đồng/cp như hiện tại (sáng 7/11). Cổ phiếu Hodeco giảm từ trên 95.000 đồng/cp hồi cuối năm 2021 xuống mức 32.000 đồng/cp như hiện tại. Cổ phiếu L14 bốc hơi hơn 90%.

Bán giải chấp (force sell) việc các CTCK bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư, nhằm hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định. Nó diễn ra khi giá cổ phiếu giảm mạnh xuống dưới ngưỡng cho phép nhưng người cầm cố không nộp thêm tiền bù vào.

Chuyên gia tại một CTCK cho biết, hoạt động force sell đối với nhà đầu tư cá nhân gần như đã hết trong giai đoạn giữa tháng 10. Số lượng tài khoản cá nhân mở mới giảm mạnh. Ít nhà đầu tư cá nhân dám dùng thêm margin mới trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cổ đông lớn, chủ nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh vay margin các CTCK. Đây là lý do margin chung vẫn tăng lên trong quý III và có thể trong cả quý IV.