Giá mua điện cao hơn giá bán
Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 2/1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, điểm lại vấn đề nổi cộm năm vừa qua là thiếu điện cục bộ ở miền Bắc, trong đó phân tích sâu nguyên nhân chủ quan.
Đối với việc huy động nguồn điện, điều tiết các hồ thủy điện, ông Tuấn cho rằng Thanh tra của Bộ đã chỉ ra. Ngay trong buổi kiểm điểm của Đảng ủy tập đoàn, nhiều cán bộ phát biểu chúng ta cũng có sự chủ quan nhất định.
"Với diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm tương đối bình thường, cho nên chúng ta đã điều chỉnh các nguồn khai thác. Khi xảy ra hạn hán, nước không về đã dẫn đến tình trạng hồ thủy điện không phát điện được nữa trong 3 tháng tiếp theo. Đây là điều tập đoàn đã nhìn ra và sẽ có phương hướng khắc phục trong 2024”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, công tác chuẩn bị than cho phát điện còn chưa tốt. Nhiều nhà máy nhiệt điện than của EVN, các GENCO, các nhà máy điện bên ngoài gặp sự cố. Công tác sửa chữa còn chậm.
“Tất cả những nguyên nhân này đã được chỉ ra, vấn đề là phải có giải pháp để thực hiện cho năm 2024”, lãnh đạo EVN chia sẻ.
Phân tích về giá các nguồn điện, ông Tuấn khẳng định “ổn định nhất chỉ có thủy điện, chiếm 28,4% sản lượng”. Còn năng lượng tái tạo do chủ trương khuyến khích ban đầu nên giá cũng rất cao, cao hơn giá thành bán ra của EVN. Nếu tính bình quân đến nay, giá năng lượng tái tạo xấp xỉ giá thành bán ra của EVN. Còn lại, gần 45% sản lượng điện phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, theo các nguồn cung cấp khác.
Nhìn cơ cấu nguồn như vậy, ông Tuấn đánh giá: Giá thành điện của chúng ta là sử dụng tài nguyên. EVN phải đặt ra chiến lược truyền thông để khách hàng hiểu tại sao phải sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Sử dụng tài nguyên thì tài nguyên ngày càng cạn kiệt, nên giá thành chỉ có lên chứ không thể có chuyện xuống được.
Lãnh đạo EVN cho biết: Toàn bộ chi phí giá thành sản xuất điện của tập đoàn là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó giá bán ra có 1.950 đồng/kWh. Còn giá thành sản xuất mà EVN phải mua điện từ các đơn vị của mình cũng như nguồn bên ngoài xấp xỉ là 1.620 đồng/kWh.
“Tỷ trọng chi phí mua điện chiếm 80% chi phí giá thành, điều này hết sức bất bình thường”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bởi lẽ, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, giá thành sản xuất điện tối đa chỉ dao động trong khoảng 40-50%, còn 50% là dành cho khâu truyền tải, phân phối và các hoạt động khác. Giờ giá thành sản xuất điện chiếm tới 80%, chỉ còn 20% cho các chi phí khác thì rất khó có khả năng cân đối tài chính, tối ưu hóa toàn bộ hoạt động.
Với năm 2024, lãnh đạo EVN dự báo tập đoàn tiếp tục đối mặt một loạt khó khăn thách thức. Trước mắt là khả năng cân đối tài chính, bởi 2 năm nay, EVN không cân đối được, và có thể tình trạng này sẽ tái diễn.
“Cần tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ban ngành để có sự điều chỉnh về chính sách, về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được bài toán này”, ông Tuấn lưu ý và đánh giá cung ứng điện còn khó khăn ít nhất trong 3 năm tới, đặc biệt là ở miền Bắc.
Nhấn mạnh vai trò công tác kiểm tra giám sát, ông Tuấn cho rằng những bài học đau đớn trong năm 2023 xuất phát chính từ khâu này. Do đó, năm 2024, EVN sẽ đẩy mạnh nâng cao hiệu quả, công tác kiểm tra giám sát từ tập đoàn đến các đơn vị.
“Có những sự việc nếu làm tốt được khâu kiểm tra, giám sát thì chúng ta có thể ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả”, lãnh đạo EVN chia sẻ.
Lo không giữ chân được người lao động
Nhìn câu chuyện thiếu điện mùa hè năm 2023, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lưu ý "phải rút kinh nghiệm cho tương lai sắp tới".
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết vẫn kiên trì báo cáo cấp trên việc EVN và khối năng lượng của Nhà nước chỉ chiếm 48% công suất, còn 52% nữa là của các đơn vị bên ngoài.
Lãnh đạo Ủy ban vốn Nhà nước lưu ý công tác truyền thông phải để dư luận hiểu rằng “EVN không đại diện cho ngành điện”. “Có vấn đề gì về điện cứ nghĩ đến Tập đoàn Điện lực là không ổn”, ông Hoàng Anh nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng nhắc đến việc báo chí đề cập “tại sao EVN lỗ mà các tổng công ty phát điện lại lãi”.
Theo lãnh đạo Ủy ban vốn Nhà nước, ông đã phải đi giải thích ở rất nhiều nơi rằng nếu các tổng công ty cũng lỗ thì hệ thống điện sẽ rất nguy cấp. Các tổng công ty ổn định và phát triển thì mới giữ được hệ thống điện này.
Nhấn mạnh cơ chế điều chỉnh giá điện, ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay, nếu không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ lũy kế, không giải quyết được lỗ lũy kế thì không làm được gì hết.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN, nhấn mạnh: Thiếu điện là bài học đắt giá cho EVN. Các cán bộ của tập đoàn bị xem xét trách nhiệm và bị xử lý. Đây là nhiệm vụ cam go cho năm sắp tới, không chỉ 2024, 2025, 2026 mà cho đến khi an ninh năng lượng trên cả nước được đảm bảo.
Đề cập đến vấn đề tài chính rất khó khăn, chưa biết khi nào hết lỗ, ông Đặng Hoàng An cho rằng: Nếu tình hình tài chính không sớm cải thiện thì đời sống người lao động ảnh hưởng, nhiều cán bộ lương thấp quá sẽ rời ngành ra đi.
Bày tỏ những vụ việc bị xử lý gần đây là "nỗi đau đớn và sự xấu hổ của ngành điện", ông Đặng Hoàng An khẳng định: EVN phải đi theo hướng quản trị quốc tế là minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao, từ thị trường điện, đàm phán giá điện, chi phí, mua bán, tránh tình trạng nhìn vào tập đoàn như một cái hộp đen; để làm sao khi dư luận hỏi về báo cáo tài chính, các đơn vị phải hết sức công khai.