Trong nhiều năm qua, tình trạng săn bắn các loài động vật hoang dã trong các khu rừng đặc dụng tại Thanh Hóa vẫn xảy ra, nhiều loài động vật quý hiếm bị suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho các đơn vị liên quan triển khai kịp thời các biện pháp bảo tồn, ngăn ngừa tội phạm đa dạng sinh học, trong đó có lực lượng kiểm lâm tỉnh làm nòng cốt. Đồng thời, UBND tỉnh giao trực tiếp cho Ban quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ưu tiên bảo tồn tại chỗ, huy động các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cũng như xã hội hóa công tác bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển nguồn gen qua gây nuôi động vật hoang dã, động vật đặc hữu, quý hiếm.
Xác định công tác tuyên truyền, dựa vào cộng đồng là “xương sống” của các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia tại Thanh Hóa đã tập trung tuyên truyền tới người dân về các quy định của pháp luật bảo vệ động vật hoang dã, các hành vi săn bẫy, mua bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự tùy theo mức độ của loài động vật đó.
Điển hình tại Khu bảo tồn Pù Hu, Ban quản lý Khu bảo tồn phối hợp với các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về quy định của pháp luật trong Luật Đa dạng sinh học. Các hình thức tuyên truyền như qua hệ thống loa phóng thanh, biển, pano, biểu ngữ. Đặc biệt, Ban quản lý phối hợp với các thôn bản tuyên truyền trực tiếp tới người dân về cách nhận biết động vật hoang dã quý hiếm, các loài cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ đó người dân nhận biết được đâu là động vật quý, các hành động Nhà nước nghiêm cấm. Từ khi thành lập tới nay, Khu bảo tồn Pù Hu, Thanh Hóa đã tổ chức được 276 hội nghị thôn làng với sự tham gia của hơn 13 nghìn lượt.
Kết quả, người dân chủ động giao nộp các loại động vật đi lạc hoặc săn bẫy được, các loại bẫy, vũ khí, vật liệu nổ, dùng cho mục đích săn bắt động vật.
Hiện nay, hàng nghìn hộ gia đình tại vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã ký cam kết không săn bắt, mua bán, nuôi nhốt và làm thịt động vật hoang dã.
Ngoài tuyên truyền trực tiếp, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu phối hợp với thôn, bản thành lập tổ cộng đồng bảo vệ rừng. Các tổ cộng đồng này là cánh tay nối dài cho lực lượng kiểm lâm. Nhiều vụ việc được tổ cộng đồng phát hiện và báo với lực lượng chức năng xử lý. Tổ cộng đồng được tập huấn kỹ năng về bảo vệ đa dạng sinh học, tuyên truyền tới người dân ở cộng đồng.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các tổ bảo vệ rừng cộng đồng tổ chức tuyên truyền cho người dân vùng đệm khu bảo tồn ngăn chặn người dân vào rừng tự nhiên săn bắn động vật, chặt cây rừng. Nhờ “tai mắt” của tổ cộng đồng bảo vệ rừng, nhiều hành vi vi phạm đến rừng đã được ngăn chặn kịp thời. Ý thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã cũng nâng cao hơn. Qua thông tin từ người dân, lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn cũng phát hiện kịp thời nhiều đối tượng lẻn vào rừng trái quy định.
Thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 8/2023, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 206 triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo việc triển khai thực hiện Đề án nghiêm túc, hiệu quả kết hợp chặt chẽ với công tác phòng, chống tội phạm nói chung và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhằm phát huy tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong công tác phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học.