- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần tạo được động lực thực sự cho cán bộ làm việc, lấy sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả công việc.
Sáng nay, tại Hậu Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, với chủ đề: “Hậu Giang, hợp tác đầu tư - phát triển bền vững”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng cho biết, “Đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hậu Giang |
Hậu Giang luôn thực hiện nhất quán quan điểm “ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ”, Chủ tịch UBND Hậu Giang nói.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng chứng kiến việc ký kết biên bản, thỏa thuận hợp tác, trong đó có sự hợp tác giữa các tỉnh trong vùng với Hậu Giang. “Đây là cách làm tốt bởi người ta nói là nếu muốn đi xa thì phải cùng đi”, Thủ tướng nói.
Trước con số về lượng vốn đầu tư đã ký tại Hội nghị còn khiêm tốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, “ít mà làm chắc còn hơn nói nhiều mà làm ít. Qua Hội nghị, niềm tin của nhà đầu tư vào Hậu Giang ngày càng rõ nét”.
Về tầm nhìn, định hướng phát triển của tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng nêu rõ nhất thiết phải đặt trong tầm nhìn phát triển tổng thể của vùng ĐBSCL, là bộ phận hữu cơ thống nhất, không thể tách rời của vùng, coi mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng ĐBSCL cũng như giữa vùng với TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ là xu hướng phát triển của Hậu Giang.
Vùng ĐBSCL chỉ cần một quy hoạch duy nhất, trên cơ sở đó, Hậu Giang và các tỉnh khác có thể phân công lao động, cùng hợp tác, cùng phát triển. Tuy nhiên, mỗi tỉnh cũng cần có cách làm sáng tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hậu Giang |
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Theo Thủ tướng, Hậu Giang cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiếp tục gỡ bỏ các rào cản cản trở sự phát triển của tỉnh, tiêu biểu là môi trường đầu tư kém cạnh tranh, chưa tạo được niềm tin và khơi được nguồn vốn trong dân vào phát triển.
Cần tạo được động lực thực sự cho cán bộ làm việc, lấy sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả công việc. Chính quyền không chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất gì mà cần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường pháp lý, về thủ tục, về thông tin, về dịch vụ công, về tiếp cận thị trường... để doanh nghiệp tự ra quyết định và thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng chứng kiến đại diện doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang ký thỏa thuận hợp tác |
Đây là cách tiếp cận kiến tạo phát triển, nhằm phát huy tính sáng tạo của thị trường, của các nhà đầu tư. Hậu Giang cần chỉ đạo nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, đừng để tình trạng trì trệ xảy ra.
Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, thủy sản quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thực hiện có hiệu quả “liên kết 4 nhà” là vấn đề cần chú trọng. Đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, chứ không phải hộ nhỏ lẻ.
Thủ tướng cũng lưu ý Hậu Giang quan tâm phát triển doanh nghiệp, một khâu yếu của tỉnh khi mà tỉ lệ trung bình gần 400 người dân mới có 1 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước là 130 người dân/doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Hậu Giang cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh dài hơi, bền vững. Đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.
“Sông nước mênh mông thế này mà xả thải thì cả làng, cả xóm, cả mấy tỉnh ô nhiễm chứ không chỉ một tỉnh. Phải lo cho cái chung. Trung ương, Quốc hội đều đặt vấn đề phải xử lý nghiêm việc này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và cho rằng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp kịp thời phối hợp tốt hơn nữa với chính quyền địa phương để tháo gỡ, giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.
Chính vì vậy, trong thời gian ngắn đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Hậu Giang rất thành công trong các lĩnh vực như: thương mại dịch vụ, thủy sản, công nghiệp năng lượng…
Thủ tướng chỉ ra quy mô đầu tư các dự án còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của Hậu Giang, đặc biệt là chưa khai thác có hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong khi tỉnh có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, với quy mô 5.200ha.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mẹ Việt Nam anhhùng Nguyễn Thị Kim Hoa. Ảnh: VGP |
Được biết, trước khi dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Hoa, 86 tuổi, có chồng và 1 con là liệt sĩ.
Thủ tướng: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu
Thủ tướng yêu cầu các bộ, đặc biệt các địa phương chủ động hơn nữa trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu.
Thủ tướng thị sát ĐBSCL bằng trực thăng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng trực thăng
Thủ tướng: Không hoảng hốt trước biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm phù hợp nhất, mang lại cuộc sống tốt hơn cho gần 20 triệu người.
Phó Thủ tướng: Sinh kế của người dân ĐBSCL đang bị đe dọa
ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nội tại quản lý, đe dọa sinh kế của người dân.
Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL
Các thách thức dự báo sẽ đến nhanh hơn đối với ĐBSCL. Chính phủ đã nhận rõ điều này và việc tìm giải pháp đã được thúc đẩy nhanh chưa từng có.
Hoài Thanh