Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo tờ trình của Chính phủ, có 5 nhóm đối tượng lấy ý kiến. Trong đó, có các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương và địa phương.
Nhóm đối tượng lấy ý kiến còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu cũng là đối tượng lấy ý kiến.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.
Việc lấy ý kiến nhân dân thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo luật và các hình thức khác phù hợp.
Chính phủ đề nghị, thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023.
Theo Ủy ban Kinh tế, thời gian lấy ý kiến nhân dân như đề xuất tại tờ trình là trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, 100% ý kiến Thường trực Ủy ban này đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15/3/2022.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đối tượng lấy ý kiến là người dân, doanh nghiệp cần được cụ thể hóa. Bên cạnh đó, cần xem cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ vai trò của cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo trong việc lấy kiến nhân dân, nhất là ở những địa bàn trọng điểm.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Trong đó, lưu ý bổ sung yêu cầu đổi mới, tiết kiệm, trung thực, khách quan, công khai, tránh triển khai một cách hình thức.
12 nội dung được đề xuất lựa chọn xin ý kiến nhân dân - Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số - Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất - Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại - Nguyên tắc “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất - Quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh - Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất - Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân - Việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa - Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm - Nguyên tắc và phương pháp định giá đất - Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai... |