Số liệu cho thấy những đợt giảm giá lớn vào ngày đôi ở Việt Nam vẫn góp phần gia tăng doanh số cho thương mại điện tử, song mức tăng gần đây không còn như trước.
Theo số liệu do Criteo mới công bố, doanh số bán lẻ trực tuyến tại Đông Nam Á tăng vọt lên đến 399% vào Ngày Độc thân 2021 (ngày 11/11). Bên cạnh đó, doanh số những ngày đôi (tháng và ngày trùng nhau, ví dụ 11/11, 12/12,…) cũng tăng trưởng mạnh.
Tại Việt Nam, doanh số bán lẻ trong những ngày đôi được ghi nhận là tăng mạnh về nửa cuối năm. Trong đó, doanh số bán lẻ của ngày 12/12 tăng lên đến 143%, doanh số bán lẻ trực tuyến tăng lên đến 223% vì có nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến.
Sở dĩ doanh số những ngày đôi tăng lên do các doanh nghiệp giảm giá bán đồng loạt, cộng với các chương trình truyền thông xã hội tạo sự lan toả, khiến chúng thu hút lượng lớn người dùng mua sắm.
Trên toàn khu vực, doanh số bán lẻ trực tuyến tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Một số quốc gia có mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, ví dụ như Việt Nam (tăng hơn 35%) và Singapore (tăng hơn 22%) khi so sánh doanh số mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Ngày Độc thân 2021 với doanh số trung bình trong tuần cuối của tháng 10 năm 2021.
Có sự khác biệt nhỏ giữa các quốc gia trong khu vực về sức hút của những lễ hội mua sắm trực tuyến. Tại Việt Nam và Indonesia, doanh số tăng mạnh nhất vào những ngày đôi. Trong khi Singapore và Malaysia doanh số tốt nhất vào Ngày Độc thân (11/11).
Dù 11/11 bản chất cũng là một ngày đôi, song nó được gọi là Ngày Độc thân vì ngày và tháng chỉ gồm số 1. Ngày Độc thân được khai sinh từ Trung Quốc, lan rộng ra Đông Nam Á, và kéo theo trào lưu tổ chức lễ hội mua sắm vào các ngày 9/9, 10/10, 12/12,…
Theo báo cáo, doanh số bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam tăng mạnh nhất vào ngày 12/12, lên 143%. Trong khi đó, doanh số ngày 10/10tăng lên đến 104%, ngày Độc thân tăng 128%, ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday tăng lên đến 92%.
Do doanh số tăng mạnh vào các lễ hội mua sắm nên một số doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ tập trung nguồn lực vào những ngày này. Hiện nay, mỗi ngày trong tháng đều là một ngày đôi, doanh nghiệp tận dụng nó để đẩy khuyến mại, giảm giá hút khách. Ở những ngày còn lại, doanh nghiệp gần như im ắng.
Trả lời VietNamNet về xu hướng nói trên, đại diện Criteo cho hay các ngày đôi vẫn là dịp để doanh nghiệp gia tăng doanh số, do đó họ phải triển khai hoạt động khuyến mại. Tuy vậy, doanh nghiệp cần kết hợp các chương trình giữa trực tuyến và trực tuyến để đạt hiệu quả cao nhất.
Dù tiếp tục tăng trưởng song mức tăng năm 2022 không còn được như trước đó. Cụ thể, trong sự kiện 10/10 gần đây nhất chỉ ra khu vực Đông Nam Á ghi nhận doanh số bán hàng trực tuyến tăng lên đến 97% so với tuần trung bình của 1 tháng trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với 1 năm trước (doanh số bán hàng tăng lên đến 136%). Ngoài ra, doanh số bán hàng theo năm giảm 12% vào ngày 10.10 so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam cũng có xu hướng tương tự, theo đó, doanh số bán hàng tăng lên đến 48% so với doanh số trung bình theo tuần của 1 tháng trước đó. Song mức tăng doanh số bán hàng năm ngoái cao hơn, ở mức 125%, cho thấy doanh số bán hàng theo năm giảm còn 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số so với cùng kỳ năm trước của Indonesia và Singapore cũng lần lượt giảm 27% và 21%.
Ông Sukesh Singh, Trưởng bộ phận Nhóm khách hàng lớn thuộc khu vực Đông Nam Á tại Criteo, cho rằng sự giảm sút này do sau đại dịch, người dùng bắt đầu đi mua sắm tại các cửa hàng nhiều hơn, dẫn đến doanh thu trực tuyến giảm. Năm 2021 hầu hết các nước vẫn giãn cách do đại dịch nên doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng trưởng mạnh.
Chuyên gia này cho rằng xu hướng giảm doanh số bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó các nhà bán hàng cần kết hợp các chương trình truyền thông, khuyến mại liền mạch giữa trực tuyến và trực tiếp để thu hút khách.
Hải Đăng