Trái ngược với nhiều tỷ phú Việt ăn nên làm ra, túi tiền có thêm cả ngàn tỷ, hàng loạt doanh nhân khác trải qua một năm 2018 khá u ám khi cổ phiếu giảm mạnh, tài sản tụt giảm, tin đồn bủa vây... Dẫu vậy, các đại gia vẫn tiếp tục chống đỡ, nỗ lực để hy vọng 1 năm mới

Vòng xoáy đen đủi, nhà Cường đôla liên tục dính 'án' dừng, cấm, thu hồi

Lê Phước Vũ: Dự án dậm chân, công ty lỗ thảm

Năm 2018, doanh nghiệp của ông trùm ngành tôn Lê Phước Vũ rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có, bất ngờ lỗ nặng và nợ vay cao ngất ngưởng. Những thương vụ mua bán cổ phiếu lời đậm của đại gia này cũng khó bù đắp được thiệt hại chung và tai tiếng khôn lường.

Trong năm, giá cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen tụt giảm hơn 70%, tài sản bốc hơi ngàn tỷ. Đại gia Lê Phước Vũ đen đủi gặp khó với dự án thép khủng tại Ninh Thuận. Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen để thẩm định kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là về công nghệ và môi trường.

Sự nổi lên của các đối thủ, trong đó có Hòa Phát của ông Trần Đình Long chuyển sang làm thêm tôn và Nam Kim gia tăng sản lượng, đang đe dọa vị trí tôn số 1 của HSG.

{keywords}
Ông Lê Phước Vũ

Không chỉ gặp khó trong thị trường nội địa, HSG còn gặp khó ở thị trường nước ngoài, trong đó có Mỹ, sau khi chính quyền Donald Trump áp thuế cao đối với các sản phẩm tôn và thép.

Gánh nợ 800 triệu USD cũng đang đe dọa triển vọng tươi sáng của vua tôn Lê Phước Vũ. Để tránh áp lực từ HPG, HSG phải gia tăng vay nợ, đầu tư nhà máy mới như Hoa Sen Hà Nam, Hoa Sen Yên Bái,... để giành lại thị phần, cải thiện vị thế. Hoa Sen đã phải chấp nhận hạ giá bán và tăng chi phí cho hệ thống phân phối, chấp nhận giảm lợi nhuận trong ngắn hạn để giữ khách hàng và mở rộng cơ sở khách hàng. 

"Con cưng” bóng đá thăng hoa, Bầu Đức lận đận

Năm 2018 ghi nhận những kết quả chưa từng có từ bóng đá Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của các cầu thủ con cưng của Bầu Đức và Bầu Hiển. Tầm nhìn dài hạn và tham vọng lớn mang đến cho ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) nhiều kỳ tích nhưng đây cũng là điểm huyệt nguy hiểm khiến đại gia phố núi lao đao, nợ nần và chìm nghỉm trước ngã rẽ thay đổi số phận.

Tham vọng trở thành ông trùm nông nghiệp, thống trị Đông Nam Á của Bầu Đức vẫn còn đó và dường như không hề phai nhạt. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã thay đổi rất nhiều. Doanh nghiệp của Bầu Đức đã bán cổ phần cho Thaco. Người cầm trịch, quyết định vận mệnh của HNG không ai khác chính là phú USD Trần Bá Dương.

{keywords}
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức)

Mặc dù gặp khó khăn nhưng HAGL của Bầu Đức vẫn duy trì Học viện bóng đá HAGL-JMG. HAGL vẫn đầu tư bảng chục tỷ đồng cho bóng đá. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức chính là người mời và trả lương cho HLV Park Hang Seo, với số tiền 800 triệu đồng/tháng, tổng cộng lên tới gần 20 tỷ đồng trong vòng 2 năm. 

Hồ Xuân Năng: Nhân tố Trung Quốc khiến ngôi sao vụt tắt

Cơn bão trên thị trường trong năm 2018 cùng với những biến động nội bộ khiến doanh nghiệp của đại gia Hồ Xuân Năng mất nửa tỷ USD, bản thân ông Năng cũng mất khoảng 400 triệu USD. Tác động của công nghệ Trung Quốc và sự bất ổn từ cuộc chiến Trung Mỹ đã hiện rõ.

Trong năm 2018, ông Hồ Xuân Năng, chủ tịch CTCP Vicostone (VCS) từng có thời điểm có tài sản hướng dần tới ngưỡng tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu VCS đã giảm 50% trong khoảng nửa cuối năm, từ đỉnh cao 140 ngàn đồng/cp (giá đã điều chỉnh) xuống còn vùng 75 ngàn đồng/cp.

Vốn hóa của Vicostone giảm gần 12 ngàn tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD). Đại gia gốc Nam Định này trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 134 triệu cổ phiếu VCS. Do vậy, ở vào thời điểm đỉnh cao, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá khoảng 18 ngàn tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD).

{keywords}
Ông Hồ Xuân Năng

Những biến động trong nội bộ công ty cùng với triển vọng không mấy sáng sủa của một doanh nghiệp từng độc quyền trong một lĩnh vực được cho là nguyên nhân góp phần vào cú tụt giảm của VCS.

Lợi nhuận của VCS chững lại và chưa thấy tương lai khả qua có thể là do sự cạnh tranh đến từ các đối thủ sử dụng công nghệ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Chưa kể, Vicostone còn hết hạn hợp đồng độc quyền với Breton, bản hợp đồng giúp ông Năng có vị thế như ngày nay và thành công trong vụ thâu tóm ngược, hất cẳng cổ đông ngoại vốn gây áp lực với Vicostone trong một thời gian dài. 

Đại gia phố núi Cường đôla chìm sâu

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan chìm sâu xuống dưới đáy 1 năm sau khi ông Tất Thành Cang rơi vào vòng xoáy, sắp bị kỷ luật và con trai bà chủ tịch - ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) - rút khỏi tất cả các vị trí lãnh đạo tại công ty này.

Hồi giữa tháng 11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận sai phạm của ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, trong nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về chuyển nhượng dự án. Ông Cang đã đồng ý chủ trương cho Công ty Tân Thuận (100% vốn của Văn phòng Thành uỷ) chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển cho CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG).

Khu đất rộng lớn và ở một vị trí đẹp, ngay cạnh sông Sài Gòn. Tuy nhiên, mảnh đất được bán cho Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2. QCG sau đó đã trả lại mảnh đất này.

Ngay sau khi ông Tất Thành Cang bị kết luận sai phạm, ông Nguyễn Quốc Cường đã từ bỏ tất cả các chức vụ quan trọng tại doanh nghiệp ngàn tỷ.

"Vua" thủy sản Dương Ngọc Minh teo tóp, bà Chu Thị Bình tai tiếng

Các tin xấu về ông vua thủy sản một thời Dương Ngọc Minh dường như đã lộ hết. Thủy sản Hùng Vương (HVG) đẩy mạnh tái cơ cấu trong năm 2018 khi đồng loạt thoái vốn thu tiền về và tập trung vào việc chế biến, xuất khẩu cá. Tuy nhiên, đại gia Dương Ngọc Minh vẫn teo tóp.

Giá cổ phiếu HVG hiện vẫn còn rất thấp, chỉ dưới 5.000 đồng/cp. Túi tiền của ông Dương Ngọc Minh quy từ gần 90 triệu cổ phiếu HVG chỉ dưới 500 tỷ đồng. So với thời kỳ đỉnh cao, khối tài sản của ông Dương Ngọc Minh đã bốc hơi cả ngàn tỷ đồng.

{keywords}
Đại gia Dương Ngọc Minh

Sở dĩ HVG vẫn ở mức giá thấp bởi trong kỳ bán niên 1/10/2017 đến 31/3/2018, công ty lỗ hơn 260 tỷ đồng. Số lỗ này tăng thêm lên gần 380 tỷ đồng sau kiểm toán do lợi nhuận công ty liên kết từ lãi chuyển sang lỗ và chi phí doanh nghiệp được điều chỉnh tăng mạnh.

Đại gia thủy sản Chu Thị Bình năm 2018 cũng gặp vận đen bị chiếm đoạt 245 tỷ tại tài khoản Eximbank. Tòa án sau đó phán quyết Eximbank phải trả cả gốc và lãi cho nữ đại gia này. Tuy nhiên, Eximbank sau đó kháng cáo và bà Bình liền rút sạch 245 tỷ khỏi Eximbank, chịu mất toàn bộ số lãi phát sinh do chưa đến hạn. 

Đại gia HBC Lê Viết Hải: Cả năm dính tin đồn

Gắn liền với các tin đồn, gánh nặng nợ ngân hàng của CTCP Xây dựng Hòa Bình (HBC) của đại gia Lê Viết Hải vẫn ngày một tăng lên, khoản phải thu lên tới gần 500 triệu USD trong khi nợ xấu vẫn ở mức ngàn tỷ.

Khoản phải thu phình to vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng và chiếm 70% tổng tài sản khiến lãi ròng của Hòa Bình tụt giảm liên tiếp.

Trên thị trường, cổ phiếu HBC giảm mạnh bắt đầu từ tháng 10/2017. Cùng với đó là các tin đồn liên quan đến Khaisilk hay Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm). Tuy nhiên, ngay sau đó các thông tin đã được xác định là vô căn cứ. Gần đây HBC đã có những thông tin tốt khi liên tiếp trúng các gói thầu hàng ngàn tỷ từ Vingruop và các các chủ đầu tư lớn khác. 

M. Hà

Đại gia hào phóng buông ngàn tỷ đỡ nhà Cường đôla lúc đen đủi, cạn tiền

Đại gia hào phóng buông ngàn tỷ đỡ nhà Cường đôla lúc đen đủi, cạn tiền

Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) tiếp tục gây sốc, chưa thoát vòng xoáy đen đủi và vẫn đang phải sống nhờ vào lòng hảo tâm hiếm có của các đại gia hào phóng liên quan tới ban lãnh đạo QCG.