Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Chúng có thể chặn đứng khả năng phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc, từ bán dẫn, siêu máy tính cho đến hệ thống giám sát và vũ khí hiện đại.
Các biện pháp mới bao gồm hạn chế bán thiết bị sản xuất chip và bán dẫn cho khách hàng Trung Quốc, “khai hỏa” vào nền tảng của nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Bắc Kinh. Bộ Thương mại Mỹ cũng thêm 31 tổ chức vào danh sách “chưa xác minh”, bao gồm Yangtze Memory Technologies, Naura Technology, giới hạn khả năng mua công nghệ nước ngoài của họ.
Đây được xem là động thái quyết liệt nhất của chính quyền ông Biden khi cố gắng ngăn chặn Trung Quốc phát triển năng lực công nghệ. Theo Bloomberg, một khi các lệnh cấm có hiệu lực, tác động của chúng sẽ vượt ra khỏi ngành công nghiệp bán dẫn và vươn sang các lĩnh vực khác phụ thuộc vào điện toán công nghệ cao, từ xe điện, hàng không vũ trụ đến những thiết bị đơn giản như smartphone.
Cuối tuần qua, truyền thông và quan chức Trung Quốc lên tiếng phản đối hành động từ Mỹ và cảnh báo hậu quả kinh tế, làm dấy lên suy đoán về trả đũa. He Xiaopeng, Chủ tịch kiêm CEO hãng xe điện Xpeng, tháng trước nhận xét việc leo thang lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ sẽ là bước lùi đối với lĩnh vực xe tự lái trong nước.
Dylan Patel, nhà phân tích trưởng tại SemiAnalysis, cho rằng Mỹ và Trung đã chính thức bước vào “cuộc chiến kinh tế”. Theo chuyên gia, lệnh cấm sẽ khiến giao dịch công nghệ và công nghiệp trên toàn cầu sụt giảm hàng trăm tỷ USD.
Trước tin tức mới nhất, cổ phiếu bán dẫn Trung Quốc và châu Âu đều chao đảo. ASML, nhà sản xuất thiết bị sản xuất bán dẫn tối tân, giảm hơn 3%. Bellwether Semiconductor Manufacturing International giảm 5,2% trong phiên giao dịch ngày 10/10. Hua Hong Semiconductor giảm 10%, còn Shanghai Fudan Microelectronics giảm 25%. Naura giảm 10%, sâu nhất từ tháng 4.
Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, viết: “Quy định là tín hiệu định hướng về chính sách với Trung Quốc của Mỹ: một sự đồng thuận ‘diều hâu’ đã được củng cố”.
Các quan chức Mỹ khẳng định lệnh cấm mới là cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc trở thành mối đe dọa kinh tế và quân sự. Họ muốn bảo đảm các nhà sản xuất chip nội địa không có năng lực sản xuất bán dẫn hiện đại. Thea D. Rozman Kendler, trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách quản lý xuất khẩu Mỹ, Trung Quốc đã đổ nguồn lực vào phát triển năng lực siêu máy tính và muốn dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Phản ứng tại Trung Quốc vô cùng gay gắt. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo “cuộc tấn công dã man nhằm vào tự do thương mại” sẽ gây hậu quả tàn khốc với Mỹ. Tờ này viết sự việc có thể mang đến một số khó khăn trong ngắn hạn với ngành công nghiệp bán dẫn nội địa song sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và khả năng của Trung Quốc để tự đứng trên ngành khoa học, công nghệ của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning gọi các biện pháp là không công bằng và “giáng đòn mạnh vào chuỗi cung ứng, công nghiệp toàn cầu và khả năng phục hồi kinh tế thế giới”. Gu Wenjun, Giám đốc hãng nghiên cứu chip ICwise, bình luận: “Sự thật là Mỹ quyết dùng chip như công cụ để kiềm chế Trung Quốc. Không có khả năng hòa giải”.
Quy định mới của Mỹ hạn chế các nhà sản xuất chip bán công nghệ chip AI để Trung Quốc dùng trong siêu máy tính. Nvidia từng cho biết vào tháng 9 rằng các lệnh cấm xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc của chính phủ sẽ khiến hãng thiệt hại hàng trăm triệu USD doanh thu. Về lý thuyết, họ có thể xin giấy phép miễn trừ song theo các quan chức cấp cao, những yêu cầu như vậy có thể bị từ chối.
Ngoài ra, lệnh cấm còn ảnh hưởng đến thiết bị sản xuất các con chip tiên tiến. Nó nhằm vào những loại chip nhớ và chip logic hiện đại, bao gồm chip logic sử dụng bóng bán dẫn không phẳng (nonplanar) làm bằng công nghệ 16nm hoặc mới hơn, chip DRAM 18nm, chip nhớ NAND 128 lớp trở lên.
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố tài liệu hơn 135 trang để làm rõ các lệnh cấm vận mới. Những hãng thiết kế chip AI như Biren cũng gặp một số hạn chế về đơn hàng với công ty đúc chip TSMC. Các nhà phân tích đến từ hãng đầu tư Sanford C. Bernstein chỉ ra CPU tiêu chuẩn dùng trong PC và máy chủ sẽ không bị cấm xuất khẩu như mọi người lo ngại. Họ không rõ Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả.
Một câu hỏi đặt ra là quy định của Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc bán hàng sang Trung Quốc của những công ty như ASML. ASML là cái tên quan trọng hàng đầu với các nhà sản xuất chip toàn cầu. Công ty đã phải vất vả cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. ASML bán máy in cực tím sâu (DUV) cho Trung Quốc nhưng không được bán máy in khắc cực tím (EUV). Theo các hướng dẫn mới, có thể họ sẽ bị cám bán công nghệ DUV cho khách hàng Trung Quốc.
Phát ngôn viên ASML cho hay công ty đang xem xét tác động của quy định mới.
Nhà phân tích Patel của SemiAnalysis tin danh sách “chưa xác minh” là nguy cơ thực sự với tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Trước đây, Bộ Thương mại Mỹ chỉ cấm công ty cụ thể như Huawei khi đưa họ vào danh sách Entity List, đồng nghĩa phải thu thập bằng chứng chống lại họ. Danh sách “chưa xác minh” đơn giản là Bộ Thương mại không thể xác minh hoạt động của công ty đó có an toàn không. Theo Patel, bộ có thể cho vào “sổ đen” bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào mà họ muốn chỉ trong vòng 2 tháng với danh sách này.
Du Lam (Theo Bloomberg)