- Trong lịch sử của Đảng ta, tôi nghĩ chưa có trường hợp nào như anh. Anh vào Trung ương, là Ủy viên Trung ương 16 năm liên tục của nhiều khóa nhưng chưa tham gia họp ngày nào vì luôn ở trong chiến trường miền Nam lãnh đạo cuộc chiến tranh chống Mỹ!
LTS: Ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, từng là Đại sứ VN tại Liên Xô và Thụy Điển, là người đồng chí, đồng đội và người bạn của TBT Nguyễn Văn Linh. Dù tuổi đã cao, năm nay 95 tuổi, nhưng ông Chân vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc với người đồng đội, đồng chí của mình…
Hội tụ phẩm chất độc đáo của nhà lãnh đạo xuất sắc
Anh Linh học xong tiểu học rồi tham gia Cách mạng. Nhưng những ai đã làm việc với anh đều nhận thấy ở anh có kiến thức, sự hiểu biết và tầm nhìn sắc bén. Kiến thức văn hóa và nghệ thuật đấu tranh, lãnh đạo anh có được chính là từ những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo. Anh rất ham học hỏi và đọc sách.
Những người thầy dạy anh chính là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hà Huy Giáp và một số trí thức cách mạnh khác. Những “cây đa, cây đề” lớn đã thay nhau dạy cho anh kiến thức và thực tiễn hoạt động Cách mạng. Ngoài ra, anh ham mê đọc sách lạ thường. Những buổi trưa nắng như thiêu đốt trong mái nhà tôn, anh không nghỉ mà tranh thủ lấy sách ra đọc.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 6 ngày 18/12/1986. Ảnh: Minh Đạo/TTXVN |
Những năm tháng hoạt động, anh sát cánh với những đồng chí cán bộ lãnh đạo giỏi của Đảng nên anh đã tiếp thu rất nhiều, từ chị Nguyễn Thị Minh Khai, anh Lê Thanh Nghị… thời chống Pháp cho đến các anh Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt ở chiến trường miền Nam thời chống Mỹ.
Nhờ được các bậc tiền bối chỉ dạy, lại cọ xát với thực tiễn đấu tranh, hoạt động Cách mạng, ở anh Linh đã hội tụ nên phẩm chất độc đáo của một nhà lãnh đạo xuất sắc. Anh vô cùng nhân ái với đồng đội, anh em, với quần chúng nhân dân. Anh rất ít nói, nghe nhiều. Những gì anh không biết anh không bao giờ nói mà nghe nhiều hơn. Chính vì vậy anh đã trở thành nhà lý luận của Đảng, đồng thời cũng rất thực tiễn, gần gũi với cuộc sống.
Sau ngày đất nước thống nhất, làm lãnh đạo TP.HCM và làm Tổng Bí thư, anh hay phê phán những người không biết gì về kinh tế mà cứ tỏ ra hiểu biết. Đặc biệt, anh rất ghét những người hay thổi phồng thành tích, phô trương. Đọc những báo cáo “thổi phồng”, anh hay mỉa mai: “Viết cách này chỉ có cách lập bàn thờ”!
Trong lịch sử của Đảng ta, tôi nghĩ chưa có trường hợp nào như anh. Anh vào Trung ương, là Ủy viên Trung ương 16 năm liên tục của nhiều khóa nhưng chưa tham gia họp ngày nào vì luôn ở trong chiến trường miền Nam lãnh đạo cuộc chiến tranh chống Mỹ!
Người tạo đột phá
Ta là nước nghèo, trải qua cuộc chiến tranh với đối thủ giàu có hơn ta gấp bội, nên nếu không có phương cách quản lý phù hợp, chắc chắn chúng ta sẽ bị đè bẹp. Những ai đã trải qua thực tế ở hậu phương miền Bắc sẽ hiểu rõ chế độ bao cấp, tem phiếu, HTX lúc ấy đã giúp cho xã hội miền Bắc dù đói nghèo, thiếu thốn vẫn đủ sức làm hậu phương lớn cho miền Nam đánh giặc. Thế hệ chúng tôi lúc đó rất thấm thía lời Bác Hồ: “Không sợ đói nghèo, chỉ sợ không công bằng”. Nếu không áp dụng phân phối bằng tem phiếu thì không thể có công bằng giai đoạn đó được.
Tuy nhiên, chúng ta đã duy trì cơ chế đó quá lâu sau chiến tranh. Thực ra, cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã khiến cho chúng ta không mạnh dạn thay đổi cơ chế kịp thời. Anh Trường Chinh và Bộ Chính trị đã nhận ra khó khăn của tình hình khi duy trì quá lâu cơ chế bao cấp.
Tôi còn nhớ khi còn làm Bộ trưởng LĐTBXH, vào buổi chiều ngày 30/4/1975, anh em trong cơ quan ùa xuống sân ôm nhau, hò reo nhảy múa. Tôi lặng lẽ ngồi trong phòng, nước mắt ứa ra ướt cả áo. Mừng đất nước giải phóng, nhưng cũng lo lắng không kém. Chiến tranh kết thúc, đất nước bị tàn phá tan hoang, đồng ruộng xơ xác. Cơ sở vật chật phục vụ SX gần như chẳng còn gì. Thanh niên trai tráng, sinh viên, các nhà khoa học ra trận, hy sinh nhiều. Giờ lấy cái gì mà ăn. Tôi đã từng phải đi “xin” viện trợ của Liên Xô và một số nước XHCN. Họ có thể giúp ta thời chiến, nay hòa bình, ta phải tự lo. Lo như thế nào đây?
Và anh Linh là người đã tạo ra đột phá từ khi còn là Bí thư thành ủy TP.HCM. Cuộc họp ở Đà Lạt để thuyết phục Trung ương chấp thuận cho TP.HCM “phá rào”, “cởi trói” thành công là dấu ấn lớn trong sự nghiệp của anh Linh.
TBT Nguyễn Văn Linh và ông Nguyễn Thọ Chân trong bức ảnh chụp lãnh đạo xứ ủy Nam Kỳ. Ảnh tư liệu của ông Nguyễn Thọ Chân |
Anh Linh đã rất công bằng, sòng phẳng và khiêm tốn khi nói về công cuộc Đổi Mới. Khi anh làm TBT, trong cuộc trò chuyện, tôi nói: “Này anh, cán bộ và nhân dân khen anh nhiều lắm về Đổi Mới đấy”. Anh nghiêm mặt nói: “Nói về Đổi Mới là của anh Trường Chinh chứ không phải tôi”.
Nếu không có Đổi Mới, chúng ta thừa biết kết quả sẽ như thế nào. Chính anh Trường Chinh, anh Nguyễn Văn Linh và anh Võ Văn Kiệt là những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng làm nên cuộc Đổi Mới. Riêng anh Linh chịu trách nhiệm ở giai đoạn vô cùng quan trọng, vượt qua những trở lực của cơ chế cũ, nhận thức cũ để mạnh dạn chuyển hẳn nền KT đất nước vào giai đoạn mới đầy thử thách. Sự sáng suốt của anh đã giúp đất nước vượt qua những trở ngại, cản trở.
Anh không bao giờ nhận “thành tích” cho mình. Tính anh là vậy. Dù là Tổng bí thư, anh vẫn giải dị, khiêm tốn. Tôi được biết, cuối nhiệm kỳ, có nhiều ý kiến đề nghị anh làm tiếp nhiệm kỳ nữa, anh bảo: “Tôi nay đã ngoài 70, tuổi này khó tránh khỏi sai lầm được. Làm Tổng bí thư mà sai lầm thì hậu quả lớn lắm, thôi hãy để tôi rút…” Anh kiên quyết từ chối.
Tình đồng đội từ Côn Đảo
Với tôi, anh luôn là người đồng đội, đồng chí, người anh. Nhắc đến tôi còn rất cảm động khi tôi ở tù đày ra, chưa được bố trí công tác, chỉ hưởng lương cơ bản. Dù hiểu đây là nguyên tắc để đảm bảo an ninh cho Đảng, cho tổ chức, song có lúc tôi cũng buồn.
Anh từ miền Nam ra, ghé nhà tôi trải chiếu nằm nghỉ. Lúc ấy đang là trưa hè Hà Nội, nắng và nóng kinh khủng. Anh nhìn tôi, cầm tay tôi, động viên an ủi, khuyên tôi vượt qua. Lúc ấy, tôi thấy mạnh mẽ vô cùng. Anh đã truyền cho tôi sức mạnh của người anh, người đồng đội từng chung nơi tù đày khổ sai, chung đơn vị, chung chiến tuyến…
Tôi ít hơn anh Linh 6 tuổi. Anh ấy sinh năm 1915, còn tôi sinh năm 1921. Tôi biết anh bắt đầu từ những ngày tù khổ sai ở Côn Đảo.
Tháng 8/1945, tổng khởi nghĩa thành công. Ngày 23/9/1945, chúng tôi được tàu đón về. Đó cũng là ngày Pháp quay lại gây hấn ở Nam Bộ.
Vừa đặt chân lên đất liền, chúng tôi được phân công về tăng cường cho các tỉnh ủy, các ủy ban quân sự. Lúc ấy gọi là Ủy ban Việt Minh. Tôi về Gia Định phụ trách công tác đào tạo, tuyên truyền. Còn anh Linh được phân công về Hậu Giang. Ở dưới đó thiếu thốn lắm, chống Pháp mà vũ khí rất ít, chủ yếu là lấy của địch trang bị cho mình.
Anh Linh từng là thành ủy viên Sài Gòn - Gia Định từ thời chị Nguyễn Thị Minh Khai. Còn tôi là Bí thư Hà Nội, bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Trở về đất liền thì vào Nam, vào cấp ủy Sài Gòn.
Anh Linh ở vài hôm thì tìm cách bắt liên lạc với xứ ủy Nam Kỳ để trở về Hậu Giang nhưng không được. Tôi bàn với các đồng chí trong cấp ủy giữ anh Linh lại để làm Bí thư Sài Gòn – Gia Định.
Trớ trêu nhất là sau khi anh làm Bí thư thì mới liên lạc được với Xứ ủy Nam Kỳ. Tôi và các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy bàn bạc, bầu anh Linh vào Xứ ủy, sau đó Xứ ủy phân công anh Linh làm Bí thư thành ủy Sài Gòn! Cũng từ đây tôi và anh Linh có giai đoạn gắn bó, cùng hoạt động trên đất Sài Gòn.
Vào những năm 1950, phong trào cách mạnh bùng lên mạnh mẽ, cán bộ ta tham gia tích cực nên bị lộ nhiều. Theo phân công của anh, tôi vào phụ trách hoạt động trong nội thành, anh phụ trách ngoại thành.
Anh là nhà lãnh đạo đặc biệt ngay từ hồi đó. Trong nội thành rất nguy hiểm, dễ bị địch phát hiện và bắt nhưng anh vẫn thường xuyên vào công tác, nắm tình hình, kiểm tra và có chỉ đạo kịp thời.
Duy Chiến (ghi)