Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đặt câu hỏi tại Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển doanh nghiệp sáng 26/3.

Câu hỏi này nhận được sự trao đổi hào hứng, thẳng thắn, nhiệt thành từ các vị khách tại hội thảo.

Làn sóng đầu tư mới: Phụ thuộc vào đổi mới thể chế

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, hội thảo làm rõ một số vấn đề: mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp; Nhìn nhận năng lực cạnh tranh của Việt Nam với thế giới, vì sao còn hạn chế và làm rõ làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Huệ cũng dành sự quan tâm tới vấn đề khởi nghiệp và hành động thế nào để tạo làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp quốc gia.

{keywords}

Ông Vương Đình Huệ mong muốn có một làn sóng doanh nghiệp, đầu tư mới tại Việt Nam

"Một doanh nghiệp khởi nghiệp luôn có cơ hội phía trước nhưng cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp có thể là của Chính phủ, có thể là tư nhân hóa. Vậy làm thế nào để Việt Nam thu hút được các quỹ đầu tư mạo hiểm của thế giới, cũng như những hỗ trợ từ Chính phủ để thúc dẩy ý tưởng sáng tạo, phương án sản xuất kinh doanh" - ông Huệ đặt ra một loạt vấn đề.

Ông Huệ cũng mong muốn thông qua hội thảo có thể tìm được những giải pháp, hành động cụ thể để làm ngay cũng như có các chính sách, giải pháp lâu dài thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp tư nhân; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện thuận cho doanh nghiệp trong nước phát triển; làm mạnh hơn khối doanh nghiệp trong nước, liên kết doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới.

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, 5-7 năm tới là giai đoạn có tính quyết định cho Việt Nam và TPP là cơ hội có một không hai, Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để cạnh tranh hay không.

Để trả lời cho câu hỏi của ông Huệ về việc "có một làn sóng đầu tư và làn sóng phát triển doanh nghiệp mới hay không?", ông Lộc khẳng định rằng: "Có".

Tuy vậy, ông Lộc cho rằng, nó tùy thuộc vào câu hỏi liệu: có làn sóng cải cách thể chế mới hay không vì đó là bệ đỡ cho làn sóng đầu tư và phát triển doanh nghiệp mới.

Ông Lộc phân tích, lần đầu tiên Nghị quyết XII của Đảng đề cập tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo chuẩn mực hiện đại trên thế giới.

"Như vậy, chúng ta khẳng định sẽ không đi theo một hướng riêng mà cố gắng đi trên con đường chung của nhân loại, áp dụng kinh nghiệm tốt nhất của thế giới" - ông Lộc nói rõ.

Cũng lần đầu tiên, Nghị quyết khẳng định: kinh tế tư nhân là động lực, khởi nghiệp như hệ sinh thái, một trào lưu phát triển.

"Nếu đạt được những điều đó, làn sóng đầu tư và phát triển doanh nghiệp mới sẽ có" - ông Lộc khẳng định.

Muốn vậy, ông Lộc chỉ ra, chất lượng thể chế của Việt Nam phải đứng trong top đầu các nước ASEAN: tạo môi trường thể chế thuận lợi, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và có nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả.

"Trước nay chính sách hỗ trợ của ta theo kiểu ai khó khăn kêu thì hỗ trợ, như vậy không bao giờ giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh mà chỉ dẫn đến đổ vỡ. Chúng ta phải chọn những doanh nghiệp có tiềm năng nhất trong nền kinh tế để hỗ trợ họ lớn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt lên trở thành đầu tàu kinh tế, từ đó có thể xây dựng thương hiệu của Việt Nam" - ông Lộc nói.

Doanh nghiệp cần tập trung vào sáng tạo thay vì "quan hệ"

Cũng theo ông Lộc, cần cắt giảm thủ tục hành chính tối đa, các địa phương có thể thành lập được trung tâm dịch vụ hành chính công nhưng không phải bằng tiền của nhà nước mà của doanh nghiệp. Nhà nước thuê của tư nhân, tập trung tất cả các dịch vụ tại một địa điểm công khai, minh bạch, thúc đẩy sự liên kết, liên thông giữa các cơ quan.

Ngoài ra, hiện nay, một số địa phương như Quảng Ninh, công tác xúc tiến đầu tư phải thúc từ trên xuống, lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo, đặc biệt là các dự án lớn sẽ giúp đẩy mạnh giải quyết thủ tục cho các dự án. Với cách này, một dự án chỉ mất có vài tuần mà không phải cả năm như trước đây.

Về phía doanh nghiệp, ông Lộc đặc biệt nhấn mạnh: doanh nghiệp cần tập trung vào sáng tạo thay vì "quan hệ" như trước đây.

{keywords}

"Doanh nghiệp cần xây dựng sự liêm chính như là trái tim và sáng tạo như là bộ não của doanh nghiệp, tạo thành trào lưu chung của doanh nghiệp Việt Nam. Phải nâng nâng cấp mình lên để đạt được chuẩn mực quốc tế" - ông Lộc nói.

Tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp tại đất nước Israel, Đại sứ Eilon Shahar Meirav tại Việt Nam cho hay, Israel luôn sẵn sàng chuyển giao đào tạo, khoa học cho Việt Nam.

Theo bà đại sứ, riêng tại thành phố Tel Aviv của nước này có tới hơn 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của thành phố này đứng thứ 2 trên thế giới sau Hàn Quốc. Trung tâm tham gia tích cực vào việc khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

"Mô hình hệ sinh thái độc đáo của chúng tôi gồm: Chính phủ + cơ quan nghiên cứu + doanh nghiệp. Ở giai đoạn những năm 1970, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khi có khoảng trống, còn lại đều là do các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp kết hợp với nhau" - bà Meirav chia sẻ.

Israel cũng xây dựng mô hình Nhà khoa học trưởng, Vườn ươm doanh nghiệp và sự phát triển của các ngành công nghiệp đều dựa trên kết quả của các nhà nghiên cứu khoa học.

"Chúng tôi khuyến khích tư nhân quản lý các vườn ươm. 85% doanh nghiệp khởi nghiệp từ chính sách vườn ươm này có thể tìm nguồn vốn từ khối tư nhân. Như vậy, Chính phủ chỉ quản lý và hỗ trợ"- bà Meirav nói.

Trước đây khi mới hình thành, Chính phủ Israel cũng thông qua văn phòng nhà khoa học trưởng để tìm kiếm nguồn vốn từ khối tư nhân. Khi các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, khối doanh nghiệp tư nhân vững mạnh, Chính phủ rút hoàn toàn.

(Theo Tổ quốc)