Anh Nguyễn Trung Tính cho biết, năm 2017, anh thuê lại 7.000m2 đất bãi bồi ven sông La, thuộc xã Đức Yên, do Hợp tác xã Đức Yên (thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ) quản lý. Đất này vốn bị bỏ hoang vì thường xuyên bị ngập úng vào mùa lũ, khô nóng vào mùa hạ, lại là đất pha cát nên không thể sản xuất.
Năm đầu tiên anh thử nghiệm trồng 50 gốc táo Đài Loan. Sau một năm, thấy cây phát triển tốt, quả to, sai trĩu cành, đặc biệt là giống táo này vẫn giữ được vị thơm, giòn nên anh Tính quyết định đầu tư mở rộng với quy mô lên tới 300 gốc.
“Hồi ấy vì không có đất phát triển mô hình nông nghiệp và cũng đánh liều để thay đổi cuộc sống nên tôi mới thuê lại diện tích này. Khi thấy tôi đem những cây táo đầu tiên về trồng, nhiều người cười và bảo tôi là ‘thằng hâm”, anh Tính nhớ lại.
Anh Tính cho biết, sau nhiều năm trồng Táo, vườn táo của gia đình anh đã cho thu nhập ổn định. Hiện thương lái vào tận vườn trả 200 triệu đồng, nhưng anh Tính chưa đồng ý bán bởi “muốn giữ lại để làm thử nghiệm mô hình du lịch trải nghiệm. Lúc cận Tết tôi sẽ tính sau”, anh Tính nói.
Năm đầu, việc trồng táo của anh Tính trải qua nhiều khó khăn. Năm 2019, do chưa có kinh nghiệm, vườn táo của anh bị ruồi vàng đục quả, ảnh hưởng đến năng suất. Sau khi trừ chi phí, anh Tính chỉ lãi 20 triệu đồng.
Anh kể, trước đây anh làm nghề lái xe, nhưng do sức khỏe không đảm bảo nên nghỉ sớm về làm vườn, bản thân lại rất thích làm nông nghiệp sạch.
"Đi nhiều nơi thấy cây táo dễ trồng nên tôi quyết định thử nghiệm. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm nên có mất mùa, sâu hại, thối rụng do mưa lũ, nhưng nay nhờ tìm tòi, học hỏi kỹ thuật như đốn cây, phòng trừ các loại sâu hại,... nên cho kết quả khả quan. Nếu thuận lợi, vườn táo năm nay gia đình tôi lãi khoảng 300 triệu đồng”, anh ước tính.
Giống táo anh Tính trồng gọi là đại táo, cây giống được anh nhập về từ tỉnh Nam Định với giá 20.000 đồng/cây. Sau khi trồng khoảng một năm táo cho lứa quả đầu tiên, trọng lượng trung bình từ 6-8 quả/kg.
Những năm trước, giá mỗi kg táo được ánh Tính bán vào lúc cận Tết dao động từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng. Năm nay, 300 gốc táo sẽ cho sản lượng khoảng 7 tấn. Nếu bán phục vụ Tết, ước tính người nông dân này thu về khoảng 300 triệu đồng.
“Những năm trước, tiểu thương đến tận vườn để đặt mua, chờ cận ngày hái xuống bán phục vụ Tết. Năm nay rất nhiều người gọi điện đặt vấn đề nhưng tôi chưa bán vì muốn thử nghiệm mô hình vườn táo thành điểm du lịch trải nghiệm”, anh Tính cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, một tiểu thương ở huyện Nghi Xuân, cho biết, chị thường nhập táo từ vườn anh Tính về bán, nhưng năm nay không mua được vì chủ vườn chuyển hướng kinh doanh.
“Người dân có nhu cầu sử dụng hoa quả nhiều trong dịp Tết Nguyên đán cũng như muốn tìm nguồn cung hoa quả sạch nên tôi chọn nhập táo ở đây về bán. Cứ thấy chủ vườn hái táo ăn tại chỗ là người mua yên tâm”, chị Linh thông tin.
Hiện vườn táo của anh Tính được rất nhiều bạn trẻ tìm đến trải nghiệm, chụp ảnh và tham quan.
Ông Bùi Quang Thiết, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ, đánh giá, mô hình vườn táo của hộ anh Tính là mô hình nông nghiệp hiệu quả, có khả năng phát triển kinh tế theo hướng lâu dài. “Việc trồng táo ở các bãi bồi ven sông La không chỉ đem lại giá trị kinh tế, tận dụng được quỹ đất, tạo dựng cảnh quan, chống xói mòn mà còn bảo đảm về môi trường. Mô hình này cần được phát triển và nhân rộng”, ông Thiết nhận xét.
Hoàng Nguyên - Thiện Lương