Ngành kiếm tiền khủng
Anh Xuchen Li, một chuyên viên phân tích lâu năm của hãng kiểm toán Ernst and Young đã bỏ công việc nhiều người mơ ước này để làm Streamer (tên gọi những người chuyên LiveStream kiếm tiền) trên ứng dụng Inke. Quyết định này khá dễ hiểu khi anh có thể kiếm được hơn 3 triệu Nhân dân tệ (447.000 USD)/năm kể từ năm 2015 nhờ công việc này trong khi thời gian khá thoải mái.
Mỗi tối, anh Li tự quay trực tiếp chính bản thân mình trong vòng 2 tiếng và cho vô số người xem trên mạng. Trong 2 tiếng này, tất cả những gì anh làm là diễn thuyết, tương tác với các câu hỏi của người xem, tranh luận về 1 vấn đề nóng, hay đơn giản chỉ là hát vài bài cho hơn 600.000 người hâm mộ đang theo dõi ở Trung Quốc.
Anh Xuchen Li
Điều đáng ngạc nhiên hơn là anh Li không nhận lương từ bất kỳ công ty nào mà thu nhập của anh đến chủ yếu từ tiền quà tặng của những người xem. Những người theo dõi này sẽ nạp tiền để gửi các biểu tượng quà tặng cho thần tượng của mình. Trung bình hàng ngày anh Li nhận được 13.140 Nhân dân tệ (1.957 USD) tiền quà tặng ảo từ người hâm mộ.
Trường hợp của anh Li chỉ là một trong số rất nhiều người đang tham gia ngành công nghiệp LiveStream màu mỡ đang bùng nổ mấy năm trở lại đây. Số liệu của Trung tâm hệ thống thông tin Internet Trung Quốc (CINI) cho thấy tính đến tháng 7/2018, nước này có khoảng 425 triệu người tham gia LiveStream, bao gồm các dịch vụ từ dẫn chương trình, quay phim chơi game cho đến biểu diễn tạp kỹ.
Riêng tại Inke, ứng dụng LiveStream lớn nhất Trung Quốc, đã có hơn 200 triệu người đăng ký tham gia hoạt động làm Streamer và có hơn 26 triệu người thường xuyên có hoạt động LiveStream hàng ngày.
Theo giảng viên Shenshen Cai của Đại học công nghệ Swinburne-Australia, ngành LiveStream đã trở thành một trong những hoạt động kinh doanh giải trí bùng nổ mạnh nhất tại Trung Quốc những năm gần đây.
Không riêng gì giải trí, LiveStream còn len lỏi vào thương mại điện tử hoặc bán lẻ với những Daigou: những người chuyên đi săn đồ giá rẻ, hàng ngoại nhập hay LiveStream cảnh mua sắm để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng khi mua hàng của họ. Thậm chí chính quyền thành phố Hàng Châu còn khuyến khích các Daigou thường xuyên quay tại những bếp ăn của các nhà hàng nhằm đảm bảo với thực khách về chất lượng ẩm thực nơi đây.
Với sự bùng nổ và lan tỏa mạnh mẽ, hãng tư vấn Deloitte năm 2018 đã dự đoán Trung Quốc sẽ vẫn duy trì là thị trường LiveStream lớn nhất thế giới với tổng doanh thu 4,4 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước đó.
"Có những sự kiện như sinh nhật của tôi, ngày lễ hay chỉ đơn giản là người hâm mộ cảm thấy vui vẻ, họ có thể tặng tôi tới 10.000 Nhân dân tệ (1.490 USD) quà tặng ảo", anh Li nói.
Tổng giá trị thị trường của ngành LiveStream Trung Quốc (tỷ USD)
Trước sự bùng nổ của ngành LiveStream, rất nhiều phụ nữ Trung Quốc đã đổ xô vào mảng này để vừa kiếm được tiền vừa nổi tiếng. Cô Zhihui Ma là một ví dụ điển hình. Người phụ nữ gốc Mông Cổ trước đây chỉ kiếm được khoảng 2.000 Nhân dân tệ (298 USD)/tháng với nghề hướng dẫn viên du lịch và bồi bàn.
Tuy nhiên kể từ khi tham gia Inke, với sự hài hước của mình, cô Ma đã có đến hơn 90.000 người theo dõi và thu nhập gần 3 triệu Nhân dân tệ (446.887 USD) trong vòng 3 năm qua.
Tất nhiên nổi tiếng và kiếm được tiền không phải tất cả. LiveStream cũng kèm nhiều mặt trái. Bản thân cô Ma cho biết mình từng rất buồn vì những bình luận thiếu tế nhị từ người xem về dáng vẻ của cô.
Nhu cầu từ kết cấu xã hội
Theo Deloitte, tổng doanh thu ngành LiveStream trên toàn cầu năm 2018 đạt 7,4 tỷ USD và Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Đồng quan điểm, Reaserch and Market nhận định tổng giá trị thị trường của ngành LiveStream trên toàn cầu sẽ đạt 70 tỷ USD vào năm 2021 và khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ là thị trường nóng nhất.
Tuy nhiên không giống với các thị trường khác, mảng LiveStream tại Trung Quốc phát triển theo những hướng hơi khác.
Ví dụ khác với Mỹ, mảng LiveStream game không chiếm tỷ trọng lớn ở Trung Quốc, với chỉ 20%, số còn lại phần lớn là các chương trình tạp kỹ và thực tế.
Khảo sát của Inke cho thấy, khoảng 70% lượng LiveStream cuộc sống thực tế tại Trung Quốc là của phụ nữ và 2/3 trong số đó chưa đến 26 tuổi. Nội dung của các chương trình này từ khám phá cuộc sống, du lịch, hát hò, cho đến đơn giản như đàm đạo về cuộc sống.
Nghe có vẻ dễ dàng đúng không? Trên thực tế ngành LiveStream này cực kỳ áp lực trước sự gia nhập của ngày càng nhiều phụ nữ trẻ đẹp.
"Tôi cảm thấy rất áp lực bởi ngày càng nhiều bạn trẻ gia nhập ngành này. Tôi đang phải LiveStream hơn 10 tiếng mỗi ngày bởi tôi biết đang có rất nhiều bạn trẻ đẹp hơn mình cũng đang làm. Tôi cần phải chăm chỉ để thu hút ngày càng nhiều người hâm mộ hơn", một Streamer tâm sự với hãng tin BBC.
Ngoài ra, mặc dù nhiều Streamer nổi tiếng tại Trung Quốc có thể kiếm 20.000 USD/tháng hoặc hơn nhưng phần lớn những người làm trong ngành chỉ kiếm đủ sống. Khảo sát của Tencent cho thấy, chỉ 5% số Streamer kiếm hơn 1.500 USD/tháng, nhưng có đến 70% kiếm chưa được 15 USD/tháng.
Để hiểu được tại sao người xem Trung Quốc lại thích các chương trình LiveStream thực tế hơn các thứ khác, chúng ta cần hiểu về kết cấu xã hội của họ. Khoảng 75% số người xem LiveStream hiện nay ở Trung Quốc là nam giới và 70% trong số đó dưới 30 tuổi.
Hãy tưởng tượng bạn là một chàng thanh niên dưới quê lên sống ở Thượng Hải với mức lương bèo 500 USD/tháng. Bạn khó kiếm được bạn gái khi chẳng có nhà hay xe do chi phí sinh hoạt quá cao. Sau cả ngày dài làm việc, họ chẳng có hoạt động gì nhiều ngoài xem LiveStream.
Những người này bị gọi bằng cái tên Diaosi (kẻ thất bại). Phần lớn họ xem LiveStream là để quên sự cô đơn trong cuộc sống thực tế. Họ thấy tự hào khi được Streamer cảm ơn khi tặng quà. Tuy nhiên đây không phải thu nhập chính của các Streamer. Những người hâm mộ được các Streamer trông chờ nhất là thành phần cậu ấm cô chiêu giàu có, những người sẵn sàng chi tới 2.000 USD tiền quà cho những chương trình LiveStream yêu thích.
Tất nhiên, hầu hết các Streamer hiện nay tại Trung Quốc đều đầu quân cho một công ty nào đó khi mới vào nghề bởi rất nhiều hãng môi giới đang hoạt động kiếm lời trong mảng này. Ví dụ như Redu Media, một trong những công ty môi giới nổi tiếng trong ngành thường trả Streamer khoảng 1.500 USD/tháng cùng 20% số tiền họ nhận được qua các chương trình LiveStream.
Ưu điểm của mô hình này là các Streamer sẽ được hỗ trợ để nổi tiếng cùng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp. Tuy vậy, việc bó buộc với 1 công ty sẽ khiến Streamer bị ép buộc phải làm việc cật lực hơn cũng như có nguy cơ bị sa thải khi hết "hot".
Có thể nói, LiveStream đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp béo bở tại Trung Quốc và được chuyên nghiệp hóa đến từng phân đoạn. Với đà tăng trưởng của công nghệ cũng như nhu cầu từ xã hội, ngành này sẽ dần trở thành một trong những mảng giải trí, kinh doanh chủ lực của Trung Quốc trong tương lai.
Theo Trí Thức Trẻ