Mặc dù chính quyền Ả Rập Saudi khẳng định quá trình sản xuất sẽ sớm ổn định trở lại và giá dầu đã giảm, vụ tấn công là một lời cảnh tỉnh đối với Trung Quốc khi phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu nước ngoài.
Là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, việc phải phụ thuộc nặng nề vào các nước khác trong lĩnh vực năng lượng ảnh hưởng phần lớn đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Bắc Kinh đang cố gắng giảm bớt tình trạng lệ thuộc này nhưng nhu cầu phát triển kinh tế và chiến tranh thương mại với Mỹ lại khiến nước này lâm vào tình thế khó khăn khi số dầu Trung Quốc mua từ Ả Rập Saudi trong thời gian này còn nhiều hơn so với thời gian trước.
Trong quá khứ, phần lớn nguồn dầu của Trung Quốc đến từ các nước Nga, Iran, Ả Rập Saudi và Mỹ. Đến nay, Bắc Kinh buộc phải cắt đứt với ít nhất 2 nguồn cung. Theo thống kê từ các cơ quan hải quan, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã giảm mạnh 76% vào nửa đầu năm 2019 vì sự leo thang của cuộc chiến thương mại và lời đe dọa áp thuế bổ sung. Trong khi đó, số dầu nước này mua từ Iran cũng giảm mạnh vì lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các nước mua dầu thô của Iran.
Ảnh chụp nhà máy lọc của Tập đoàn dầu khí Ả Rập Saudi Aramco ở TP Abqaiq sau đợt không kích hôm 14-10. Ảnh: Reuters |
Dù vậy, khoảng trống mà Mỹ và Iran tạo ra nhanh chóng được Ả Rập Saudi lấp đầy phần lớn. Theo báo cáo của Công ty cung cấp dữ liệu tài chính toàn cầu Refinitive, đất nước đứng nhất thế giới về xuất khẩu dầu mỏ đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc trong những tháng gần đây khi tăng tỷ lệ xuất khẩu từ 14% vào năm 2018 lên 18% trong năm nay, vượt qua Nga lần đầu tiên trong hơn 5 năm qua.
Chính vì vậy, vụ tấn công làm gián đoạn 50% khả năng sản xuất dầu của Ả Rập Saudi vào ngày 14-9 khiến Trung Quốc cảm thấy lo lắng. "Chúng tôi rất quan ngại về tác động tiềm tàng của vụ không kích đối với nguồn cung dầu thô quốc tế và sự ổn định của giá dầu" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định tại cuộc họp báo hôm 17-9.
Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của họ. "Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là đảm bảo sự ổn định về năng lượng. Đó luôn là ưu tiên số 1 của chúng tôi trong lĩnh vực phát triển năng lượng bên cạnh việc tăng trưởng kinh tế và xã hội" - ông Zhang Jianhua, giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, phát biểu hồi tháng 8.
Vụ tấn công làm gián đoạn tạm thời 50% năng lực sản xuất dầu của Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters |
Theo nghiên cứu do Hiệp hội Doanh nghiệp Dầu khí Trung Quốc công bố đầu năm 2019, lượng dầu nhập khẩu của nước này chiếm gần 70% vào năm 2018. Cơ quan trên dự đoán con số này sẽ tăng thành 72% vào năm 2019 vì nhu cầu về dầu gia tăng tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, năng lực sản xuất trong nước lại đang trì trệ và những nỗ lực để thiết lập chiến lược dự trữ cũng không đạt chỉ tiêu.
Vào năm 2018, sản lượng dầu thô của Trung Quốc giảm 1,3% xuống còn 189 triệu tấn trong năm thứ 3 liên tiếp. Con số này thậm chí còn chưa bằng 1/3 lượng tiêu thụ hàng năm, khoảng 648 triệu tấn, của năm 2018. Hiệp hội Doanh nghiệp Dầu khí Trung Quốc dự đoán nước này sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu dầu thô trong năm 2019.
Tại một cuộc họp báo ngày 20-9, ông Zhang tiết lộ Bắc Kinh đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu từ nước ngoài. Cụ thể, chính phủ nước này sẽ phát triển đầu tư và hỗ trợ thăm dò để thúc đẩy năng lực sản xuất dầu trong nước. Như vậy, sản lượng dầu của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ để đạt 191 triệu tấn vào cuối năm 2019 và 200 triệu tấn năm 2022, ông Zhang nói thêm.
Ả Rập Saudi tổ chức họp báo hôm 18-9 để công bố bằng chứng, tố cáo Iran đứng sau vụ tấn công. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc không công bố dữ liệu về trữ lượng dầu nhưng theo cơ quan thống kê, nước này đã thành lập 9 cơ sở dự trữ dầu lớn trên cả nước với tổng dung tích khoảng 37,7 triệu tấn vào cuối năm 2017. Nếu căn cứ theo số liệu tiêu thụ năm 2018, lượng dầu dự trữ trên chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong 3 tuần.
Vào năm 2008, chính phủ Trung Quốc từng đặt mục tiêu tăng trữ lượng dầu lên khoảng 85 triệu tấn vào năm 2020. Con số này gần bằng với lượng dầu dự trữ chiến lược lớn nhất thế giới đang nằm trong tay Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố thử nhiều biện pháp để đạt được khả năng tự chủ năng lượng. Cụ thể, trong bản kế hoạch 5 năm lần thứ 13 cho giai đoạn 2016-2020, nước này đề ra mục tiêu tự cung cấp ít nhất 80% năng lượng vào năm 2020.
Vào năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất Chiến lược An ninh Năng lượng Mới, kêu gọi cả nước đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, thúc đẩy quan hệ thân mật với các nhà sản xuất dầu khí lớn, đẩy mạnh phát triển năng lượng thay thế cũng như khuyến khích đổi mới công nghệ trong điện hạt nhân và phương tiện điện.
Theo Refinitive, Ả Rập Saudi đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc trong những tháng gần đây. Ảnh chụp tàu chở dầu thô tại cảng Thanh Đảo – Trung Quốc hôm 21-4 . Ảnh: Reuters |
Nhưng theo một bài báo xuất bản hồi tháng 6 của tác giả Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Kinh tế của trường ĐH Hạ Môn (Trung Quốc), Bắc Kinh đang cảm thấy khó khăn trong việc giảm bớt sự phụ thuộc dầu mỏ vì ngành vận tải khổng lồ chiếm đến 70% lượng tiêu thụ. Ông Lin cho rằng phương án hiệu quả nhất để Trung Quốc thúc đẩy sự ổn định năng lượng chính là tăng tốc phát triển phương tiện điện, đường sắt cao tốc và hệ thống giao thông hiệu quả hơn.
Trung Quốc đang phải vật lộn với một nền kinh tế trì trệ, cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ và tình trạng lạm phát tăng cao vì khủng hoảng thịt heo. Vì vậy, sự biến động trong ngành dầu khí thế giới sẽ chỉ khiến mọi thứ càng trở nên tồi tệ. Giá dầu tăng cao có thể đẩy lạm phát đi lên và khiến các nhà hoạch định chính sách không có đủ thời gian để giảm tải sự nghiêm trọng của suy thoái kinh tế.
Vào ngày 16-9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã có một bước đi bất ngờ khi giữ nguyên mức lãi suất cho vay. Trước đó, các thị trường đều cho rằng PBC sẽ cắt giảm lãi suất cho vay vì tình hình kinh tế tồi tệ của tháng trước.
Theo các nhà phân tích, áp lực lạm phát gia tăng đang giới hạn khả năng cắt giảm mức cho vay của PBC. Nguyên nhân là giảm lãi suất sẽ kích thích tăng trưởng nhưng đồng thời gây ra lạm phát.
Bắc Kinh đang cảm thấy khó khăn trong việc giảm bớt sự phụ thuộc dầu mỏ vì ngành vận tải khổng lồ chiếm đến 70% lượng tiêu thụ. Ảnh: Reuters |
(Theo Người Lao Động)