Sau 2 năm 9 tháng áp dụng trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá sữa trên thị trường cơ bản bình yên. Nhưng từ 1/4/2017, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương kết thúc áp dụng giá trần này. Liệu có tái diễn cảnh giá sữa tăng không kiểm soát nổi?

Bộ Công Thương quản thế nào?

Kể từ đầu 2017, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công thương sẽ thay thế Bộ Tài chính tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có mặt hàng sữa.

Ngay sau khi tiếp nhận “quả bóng” từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương lập tức tìm cách quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cho phù hợp tình hình mới. Trong đó có việc kết thúc áp dụng giá trần đối với mặt hàng này. Đồng thời, khẩn trương xây dựng dự thảo Thông tư về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. 

{keywords}
Giá sữa từng có thời loạn giá. Ảnh minh họa

Trong vòng 5 ngày (từ 14-19/4), Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến các DN, hiệp hội, cơ quan quản lý các cấp về dự thảo này ở cả hai miền Nam, Bắc.

Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Vinamilk bày tỏ  ủng hộ việc bỏ trần giá sữa, để thị trường quyết định giá cả, tạo điều kiện cho các DN sữa đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới.

Tạm “cởi trói” cho giá sữa, để DN có thể chủ động hơn, nhưng liệu điều đó có làm tái lập khả năng giá sữa tăng không kiểm soát nổi như từng xảy ra?

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Nhà nước vẫn tiếp tục quản lí giá mặt hàng này nhưng ở trạng thái mới. Theo đó, sau khi biện pháp bình ổn giá hết hiệu lực, giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được quản lý theo quy định chung của Luật giá và các văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về kê khai giá.

DN được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu,... biến động.

Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% thì thực hiện gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan quản lý trước khi điều chỉnh. Nếu tăng, giảm vượt 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Ngoài ra, dự thảo quy định các thương nhân đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không bình ổn giá) hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa (trường hợp có bình ổn giá) với các cơ quan chức năng.

Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, cơ quan chức năng ngành Công Thương sẽ thông báo mức giá trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng thương nhân đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

Đây sẽ là giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của thương nhân đầu mối.

{keywords}
Giá sữa vẫn được quản lý để không có tình trạng loạn giá.

Có làm phát sinh thêm thủ tục?

Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) bày tỏ quan ngại về việc quy trình rà soát văn bản kê khai giá tại Khoản 2 Điều 9 dự thảo thông tư trái với nội dung kê khai giá được định nghĩa trong Luật Giá và chưa phù hợp với Nghị định 177, Nghị định 149 hướng dẫn luật này.

Vị này cho rằng, theo Luật Giá, kê khai là thủ tục mang tính chất thông báo, nhưng dự thảo yêu cầu kê khai trước khi điều chỉnh giá, nếu cơ quan chức năng không đồng ý thì chưa được tăng giá, như vậy đã đồng nhất kê khai với đăng ký giá.

Mặt khác, quy định kê khai giá làm tăng thủ tục hành chính, tốn kém cho DN và giảm khả năng phản ứng khi thị trường thay đổi. Do đó, Eurocham đề nghị sửa khoản này theo đúng tinh thần thủ tục kê khai giá hiện hành.

Ngoài ra, theo Eurocham, giá bán khuyến nghị trong toàn hệ thống cũng được đề xuất chỉ nên là giá tham chiếu, công khai để người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp và làm cơ sở quản lý, không nên làm giá trần như trong dự thảo đề xuất.

Đáp lại, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, dẫn chiếu Nghị định 177 và Nghị định 149 hướng dẫn Luật giá và khẳng định pháp luật đã mở cơ chế cho Bộ Công Thương toàn quyền có quy định và hướng dẫn riêng việc quản lý sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

“Tôi khẳng định chúng tôi không làm sai, hoàn toàn làm theo đúng Luật giá”, ông An nhấn mạnh.

Trước những băn khoăn của DN về thủ tục hành chính, ông An cho biết Bộ Công Thương cũng đã tham chiếu cơ chế quản lý của một số nước và thấy Việt Nam còn khá cởi mở cho DN kinh doanh, quản lý giá sữa. “Ở châu Âu quản lý kinh doanh sữa còn chặt chẽ hơn Việt Nam rất nhiều”, đại diện Bộ Công Thương nói.

Ông Nguyễn Lộc An chia sẻ: Vì sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi liên quan nòi giống nên một mặt, Nhà nước quản lí mặt khác vẫn tạo sự cạnh tranh, bình đẳng, chống độc quyền. Chúng tôi sẽ tiếp thu phần nào các ý kiến góp ý để chỉnh sửa và có thông báo chính thức đến Eurocham.

Lương Bằng