Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, gừng không chỉ là gia vị mà còn được dùng chữa bệnh. Kinh nghiệm từ dân gian, gừng cho vào các món ăn hằng ngày để tăng cường miễn dịch, phòng nhiều bệnh tật. Trà gừng uống thường xuyên vào trời rét giúp giữ nhiệt. 

Theo Đông y, gừng có vị cay giúp tán hàn giải biểu, làm ấm dạ dày, cầm chứng nôn ói, tiêu đàm, giảm ho, giải độc. Gừng được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền từ 2.000 năm nay. Các lương y coi đây là vị thuốc tốt bậc nhất là vào mùa đông. Gừng có thể dùng tơi, khô dạng bột hoặc ép lấy nước. Gừng chứa nhiều protein, chất xơ, chất béo và nhiều vitamin C, B3, B6.

Từ thời xưa, người Ấn Độ đã dùng gừng chữa nhiều chứng bệnh khác nhau như đau bụng, ho, co thắt dạ dày, cảm lạnh. Các nghiên cứu của y học hiện đại xác định trong gừng có nhiều chất khác nhau như zingeron, shogaol và zingerol. Trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất. 

8585 1663037929.jpg
Gừng được sử dụng phổ biến làm gia vị và chữa bệnh. Ảnh: Shutterstock

Khi sử dụng, gừng sống có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Gừng khô có tác dụng làm ấm cơ thể. Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu. 

Các mẹo sử dụng củ gừng hàng ngày: 

Thứ nhất, gừng sống có vị cay nóng, tính ấm nên khi ăn gừng tươi có tác dụng làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, làm ấm cơ thể từ bên trong, hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn, chống lại virus hợp bào hô hấp, ngăn cản các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trị cảm lạnh. 

Thứ hai, gừng nướng chữa đau bụng, lạnh bụng, đi ngoài. Nếu có triệu chứng trên, bạn lấy củ gừng nướng qua than hoa hoặc trên lửa bếp ga rồi thái lát ra ăn. Chỉ 30 phút sau, các triệu chứng trên sẽ thuyên giảm.

Thứ ba, gừng phơi khô sao lên chữa lạnh bụng, đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyễn và thấp khớp. Ngày dùng 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Thứ tư, nước gừng giã pha mật ong đun nóng chữa ho lâu ngày và ợ nóng. Ngoài ra, đây là thức uống có lợi cho sức khỏe vì có tính kháng viêm, chống oxy hóa và giảm đau. Thời gian thích hợp nhất để uống mật ong gừng là vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ.

Thứ năm, gừng ngâm rượu thuốc xoa bóp, massage cơ để cơ bắp được thả lỏng hơn. 

Thứ sáu, gừng rang muối rồi dùng chườm nóng lên các vùng xương khớp đau mỏi, giảm đau xương khớp do lạnh.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo không nên sử dụng quá 5g gừng mỗi ngày. Những trường hợp chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu, chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong, đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng không nên dùng gừng. Về mặt lý thuyết, gừng chống chỉ định ở những bệnh nhân chảy máu tạng hoặc người dùng các thuốc chống tiểu cầu hoặc warfarin.

Ngoài ra, người có tạng nóng, hay nhiệt miệng, táo bón, bị đau dạ dày cũng không nên ăn gừng vì thành phần của gừng bao gồm các chất chủ yếu hoạt động trên niêm mạc dạ dày, ruột và đại tràng; ăn nhiều gừng có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, loét dạ dày.

Nếu bạn dùng cao gừng, nước ép gừng thoa lên da nên sử dụng trước ở một diện tích nhỏ xem có bị kích ứng không. Chỉ nên giữ gừng trên da trong một thời gian ngắn vì có thể gây bỏng rát với người có da nhạy cảm. Nên rửa sạch vỏ gừng trước khi ăn chứ không nên gọt bỏ vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng. Củ gừng dập nát không nên dùng vì có thể nhiễm vi khuẩn ảnh hưởng tới sức khỏe.