Mua lại cổ phiếu là để doanh nghiệp đứng ra đảm bảo lợi ích cho cổ đông, khi thị giá đi xuống. Việc giảm số lượng cổ phiếu lưu hành cũng là cách bình ổn giá, tăng giá trị cho người sở hữu.
Cụ thể, ngày 19/12, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) vừa thông qua khoản tiền 1,7 tỷ đồng mua lại hơn 175.000 cổ phiếu quỹ, nâng lượng cổ phiếu quỹ lên hơn 500.000 cổ phiếu.
Đợt mua lại này, MWG muốn thu hồi lượng cổ phiếu phát hành cho người lao động (ESOP), cụ thể là đối với các nhân viên đã nghỉ việc.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG giảm 40% kể từ thời điểm đầu tháng 9, xuống còn hơn 45.000 đồng/cp.
Trước đó, này 16/12, ĐHĐCĐ Công ty Cổ phần Phú Tài (mã: PTB) cũng thông qua việc mua lại 6,5 triệu cổ phiếu, tương đương 9,55% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành, thời gian dự kiến vào quý I-II/2023. Với thị giá cổ phiếu PTB giao dịch ngày 20/12 là 45.300 đồng/cp, PTB phải bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng để mua lại số cổ phiếu trên.
Theo PTB, mục đích mua lại nhằm gia tăng lợi ích cổ đông, đồng thời tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTB đang trong thời gian hồi phục, từ mức giá thấp nhất vào giữa tháng 11 là 38.000 đồng/cp. Trong năm 2022, giá cổ phiếu PTB đạt đỉnh cao nhất vào hồi tháng 4, với hơn 90.000 đồng/cp.
Hồi đầu tháng 11, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) thông qua danh sách cổ đông, xin ý kiến về việc mua lại cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, nhằm tăng giá trị cổ phiếu.
KBC lý giải, điều này nhằm đem lại lợi ích chính đáng cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp gây thiệt hại cho người sở hữu cổ phiếu. Việc mua vào lượng lớn cổ phiếu là động thái tích cực khi công ty có dòng tiền tốt.
Kể từ đầu tháng 8, cổ phiếu KBC đã giảm 60% thị giá, giảm xuống mức sâu nhất vào giữa tháng 11 và sau đó hồi phục về mức hơn 20.000 đồng/cp như thời điểm hiện nay.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã: VPB) cũng xin ý kiến cổ đông về việc mua lại cổ phiếu quỹ trong thời hạn đăng ký cuối cùng ngày 18/11. VPBank cho hay, việc mua lại cổ phiếu là một trong các công cụ có hiệu quả trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến tiêu cực như giai đoạn vừa qua.
Việc này cũng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả cổ đông khi thị trường bình ổn, vượt qua khủng hoảng. Ngoài việc mua vào cổ phiếu quỹ đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, doanh nghiệp còn khẳng định về năng lực tài chính dồi dào, lành mạnh.
Không chỉ doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ chấp nhận giảm vốn điều lệ, mà ngay cả các lãnh đạo của doanh nghiệp cũng mua vào để cứu thị giá cổ phiếu đang giảm mạnh.
Đơn cử ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC, mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 15/11 đến ngày 14/12/2022. Số tiền ước tính ông Đặng Thành Tâm bỏ ra để cứu giá cổ phiếu KBC là khoảng 370 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC), ông Đào Hữu Huyền, đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu DGC, với số tiền ước tính khoảng 60 tỷ đồng. Ông Huyền mua vào trong bối cảnh cổ phiếu DGC giảm khoảng 60% so với mức đỉnh hồi tháng 6.