Công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, thi học kỳ, cô giáo cứu học sinh trong lũ dữ… là những sự kiện đánh dấu một tuần sôi động của giáo dục.

Công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học

Ngày 16/12, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế Tuyển sinh chính quy trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Bộ GD-ĐT đã dự kiến thực hiện một số điểm mới nhằm khắc phục các bất cập của những năm trước đó.

{keywords}
Việc xét tuyển ĐH năm 2017 sẽ nhiều điểm khác so với năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Theo dự thảo, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển, Bộ cũng sẽ không đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng vào ĐH (điểm sàn) như những năm trước, tất cả các trường đều phải minh bạch thông tin về tuyển sinh trên website của trường và Cổng TT tuyển sinh của Bộ...

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nói rõ hơn về việc “Tại sao Bộ GD-ĐT mở nguyện vọng xét tuyển, bỏ điểm sàn đại học?”… Lãnh đạo các trường đại học cũng nhận định về những khả năng có thể xảy ra nếu thực hiện phương án xét tuyển mới.

Trước khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế, nhiều báo đã đưa những thông tin liên quan tới việc chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm tới.

Đáng chú ý là ĐHQG Hà Nội thông báo ngừng thi đánh giá năng lực. Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, năm 2017, ĐHQG Hà Nội sẽ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh “Bởi những đổi mới trong phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lí của đổi mới tuyển sinh ở bài thi ĐGNL chung mà ĐHQG Hà Nội đã triển khai trong thời gian vừa qua”…

Báo Tuổi trẻ đưa tin nhiều sở GD-ĐT bối rối trước kỳ thi THPT quốc gia năm tới có quá nhiều đổi mới, nhưng Bộ GD-ĐT lại không cho phép các trường chủ động trong việc thực hiện các hình thức tập dượt cho học sinh thông qua đợt kiểm tra học kỳ.

Báo Người lao động, Báo Tiền phong đều phản ánh ý kiến của các trường về việc tuyển sinh trong năm tới…

Chương trình - SGK mới vẫn đang… lấy ý kiến

Như Báo Thanh niên đưa tin trong bài viết “Không còn môn nào bắt buộc ở lớp 11, 12?”, trong buổi tọa đàm tham vấn chuyên gia về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông diễn ra ngày 15/12, GS Nguyễn Minh Thuyết gây chú ý đặc biệt khi đưa ra một số giải pháp để có thể hiện thực hóa chủ trương dạy học tự chọn.

{keywords}
Vẫn còn nhiều ý kiến về việc soạn thảo chương trình - SGK mới (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Trong đó, giải pháp đáng chú ý nhất là “Trừ 3 môn công cụ toán, ngữ văn, ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại, mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ, môn thì học ở học kỳ 1, môn thì ở học kỳ 2. Đến lớp 11, 12 “sẽ không còn môn học nào bắt buộc nữa, tất cả các môn sẽ thành môn tự chọn”.

Còn PGS Trần Thị Tâm Đan đề nghị "Ở cấp THPT, phân hóa theo hướng tự chọn thì cần làm rõ ra kiến thức cốt lõi là gì thì sẽ giảm được số môn học bắt buộc".

GS Đào Trọng Thi bày tỏ sự lo ngại về hiện tượng hiểu chưa đúng về chủ trương một CT, nhiều bộ SGK. Cụ thể, một số địa phương như Sở GD-ĐT TP.HCM đã tuyên bố và đang chuẩn bị biên soạn bộ SGK riêng. Khi các địa phương cục bộ thực hiện sách sẽ dẫn tới tình trạng các trường của địa phương đó dù muốn hay không cũng sẽ phải chọn bộ SGK do sở GD-ĐT địa phương mình biên soạn. “Điều này là sai hoàn toàn về tư tưởng khuyến khích nhiều bộ sách”, ông Thi nói.

Trong khi đó, cũng theo thông tin từ báo này thì TP.HCM dự kiến thử ngiệm SGK do thành phố tự biên soạn ở quy mô hẹp trong năm học này, tiếp tục mở rộng hơn từ năm học 2017 - 2018 và có thể sử dụng chính thức từ năm học 2018 - 2019.

Trước đó, bài viết “Chương trình - sách giáo khoa mới: ‘Mở’ để tăng quyền lựa chọn” cũng do Báo Thanh niên đăng tải, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thường trực Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), cho rằng yêu cầu “mở” đối với SGK trong tương lai là tất yếu.

Những đề thi học kỳ gây chú ý

Đề kiểm tra học kỳ môn Giáo dục công dân cấp THCS do Phòng GD-ĐT Quận 3, TP.HCM, ra cho học sinh có nhiều câu hỏi thú vị, nhiều tình huống từ thực tế cuộc sống.

{keywords}

Lời bài hát "Ông bà anh" được đưa vào đề thi

Cụ thể, ở đề kiểm tra học kỳ 1 môn Giáo dục công dân (GDCD) dành cho học sinh lớp 7, tình huống học sinh lớp 11 ở TP Hải Phòng để lại một tờ giấy kèm nội dung “do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi...".

Ngoài ra, ở đề kiểm tra học kì 1 môn GDCD dành cho học sinh lớp 9 có câu hỏi về nạn “hôi của”, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài hát “Ông bà anh” của tác giả Lê Thiện Hiếu trong chương trình Sing my song (Bài hát hay nhất) thì được đưa vào đề kiểm tra học kỳ I dành cho lớp 12 Trường THPT Trường Chinh (TP.HCM). Cô Dương Ngọc Yến, Tổ trưởng tổ văn, cho rằng “Chúng tôi nghĩ rằng giáo dục cần có sự đổi mới. Chúng ta phải thoáng ở cái đầu”. Tuy nhiên, thầy giáo Lê Xuân Chiến ở Quảng Nam thì khẳng định, không thể tán dương những cách đổi mới theo trào lưu như vậy.

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 12 của tỉnh Thái Bình chọn một nội dung từ một bài báo trên VietNamNet, được đánh giá khá hay...

Tuy nhiên, cũng có những “đề thi lạ” nhận được phản hồi không tích cực. Đó là đề kiểm tra học kì 1 lớp 9 môn Ngữ văn mà phòng giáo dục quận Cầu Giấy gửi về cho các trường trên địa bàn, được tổ chức thi cho học sinh ngày 13/12. Sau khi đối chiếu đề thi và phần hướng dẫn chấm bài (có thể coi là gợi ý đáp án), điều đáng chú ý nhất là để trả lời cho một câu hỏi trong đề này, nếu theo như hướng dẫn của phòng giáo dục thì học sinh chỉ cần chép lại đúng từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, phẩy… nội dung trong câu hỏi là đạt điểm.

Hy hữu: Luận văn tốt nghiệp bị rao bán trên mạng

Nhiều sinh viên lớp Tài chính ngân hàng K36, Trường ĐH Cần Thơ phát hiện luận văn tốt nghiệp file PDF bị đăng bán trên mạng.

{keywords}

Trường Đại học Cần Thơ thừa nhận một số lượng lớn luận văn tốt nghiệp đại học, kể cả thạc sĩ bị rao bán trên trang web 123doc.org. Ảnh minh hoạ.

Sinh viên cho rằng luận văn là công sức tốt nghiệp, sinh viên gửi về trường để lưu trữ và cho các sinh viên khóa sau tham khảo nhưng đã bị thành phần xấu trục lợi đem bán lên mạng.

Theo phản ánh luận văn tốt nghiệp đã được công khai bán trên website 123doc.

Sau đó, PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ vừa cho biết đại diện của website 123doc… đã liên lạc với ông để lên tiếng nhận lỗi, chịu trách nhiệm việc luận văn bị rao bán trên website này.

Ông Xê cho biết ông đã chuyển chuyển thông tin này cho công an để nhờ các truy tìm người upload file và từ đó truy ra người nào cung cấp file cho họ.

Cô giáo mầm non cứu trẻ trong nước lũ

Sự kiện đẹp nhất của giáo dục tuần này có lẽ là việc 13 học sinh mẫu giáo Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) đã được 4 cô giáo cứu trong cơn lũ dữ.

{keywords}

Cô Nguyễn Thị Hòa (trái) và cô Thái Thị Tuyết Hồng (phải) bên học sinh của mình sau khi được cứu thoát khỏi lũ dữ - Ảnh: NGỌC THẮNG/ Báo Tuổi trẻ

Báo Tuổi trẻ có bài viết “Thà cô chết chứ không để trò chết”, đưa tin sáng ngày 13/12, do trời mưa to nên chỉ có hơn 30 cháu đến lớp học. 12h, mưa càng to, nước bắt đầu lớn nên ban giám hiệu gọi điện báo cho phụ huynh đón các cháu về. Chỉ có gần 20 cháu được cha mẹ đón về kịp thời.

30 phút sau thì 13 cháu còn lại và 4 cô giáo ở lại giữ lớp không thể ra ngoài được, chỉ biết kêu cứu vì nước đã ngập hơn 1,5m. Trong khi đó, phụ huynh của các cháu đứng trên quốc lộ 1, cách trường chừng 100m cũng không thể bơi vào ứng cứu…

Câu nói của cô Nguyễn Thị Hòa, hiệu phó Trường mẫu giáo An Hiệp, đã khiến mọi người xúc động: “Chúng tôi xác định thà cô chết chứ không để học trò chết”.

Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo “thà cô chết chứ không để trò chết” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong lá thư được gửi đi vào sáng 15/12. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã tham gia cứu giúp các cháu.

Ngân Anh tổng hợp