Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tất cả các xã của huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng đến tiêu chí thu nhập và đã tạo nhiều chuyển biến rõ nét. Tiêu biểu như xã Thạch Châu, Mai Phụ, Thịnh Lộc, Hồng Lộc, Thạch Kim...

Để nâng cao thu nhập cho người dân, các phòng, ngành, địa phương trong toàn huyện đã tập trung triển khai tốt các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất mới, làm tốt công tác quy hoạch vùng, tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất quan trọng, ưu tiên xây dựng sản phẩm chất lượng cao.

Huyện cũng luôn ưu tiên hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao...

Đơn cử như xã Thạch Châu là địa phương dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Lộc Hà. Trong bức tranh chung của xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 này, tiêu chí thu nhập được xem là một trong những điểm nhấn nổi bật.

Ảnh màn hình 2024 09 27 lúc 21.39.49.png
Hàng nghìn cơ sở chế biến hải sản ở huyện Lộc Hà mang lại giá trị sản xuất khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm. 

Những năm qua, Thạch Châu tập trung khuyến khích nhân dân duy trì diện tích canh tác 705 ha đất nông nghiệp, 82 ha đất nuôi trồng thủy sản, phát huy làng nghề làm muối truyền thống, xây dựng 5 khu nhà màng trồng rau quả. Địa phương cũng xây dựng được 31 mô hình kinh tế thu nhập cao, có gần 900 cơ sở kinh doanh dịch vụ, 9 hợp tác xã, hàng chục tổ hợp tác... Hiện nay, thu nhập của người dân Thạch Châu thuộc diện tốp đầu toàn huyện với gần 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn 1%.

Tương tự, xã ven biển Thịnh Lộc dù bắt đầu hành trình xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát thấp nhất huyện, thu nhập bình quân năm 2010 chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm nhưng đến nay, đời sống người dân đã cải thiện đáng kể. Phát huy đức tính cần cù, chịu khó, người dân Thịnh Lộc từng bước thay đổi tư duy làm ăn, đổi mới phương thức sản xuất. Nhờ vậy, bình quân thu nhập đầu người ở Thịnh Lộc hiện đạt 58 triệu đồng/người/năm, đáp ứng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.

Theo ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện tiêu chí thu nhập, phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, người dân chăm chỉ làm ăn, nâng sản lượng đánh bắt và chế biến hải sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ... Các hoạt động, lĩnh vực sản xuất từng bước đa dạng hóa, phát triển khá toàn diện, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, chú trọng sản xuất hữu cơ...

Ông Phan Bá Ninh, đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Lộc Hà khẳng định, nâng cao thu nhập được xem là mục tiêu hàng đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nên các địa phương trên địa bàn huyện đều quyết tâm, nỗ lực thực hiện. Do đó, tất cả các lĩnh vực sản xuất của Lộc Hà đều được chú trọng, có định hướng chiến lược phát triển sát thực tiễn, có tốc độ tăng trưởng tốt, giữa các ngành nghề và lĩnh vực có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng có nhiều mô hình cho thu nhập cao, nhiều lĩnh vực sản xuất có sự đột phá, nhất là trong nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, thương mại – dịch vụ, xuất khẩu lao động...

Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn huyện Lộc Hà hiện có 601 mô hình kinh tế thu nhập cao, hàng chục vùng chuyên canh nông sản, năng suất cây trồng ngày càng tăng; giá trị chăn nuôi ngày càng được cải thiện, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản có nhiều đột phá; hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp được nâng lên. Bên cạnh đó, người dân đã có thêm việc làm, đa dạng hóa sinh kế để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đáng chú ý, hàng nghìn cơ sở chế biến hải sản ở Lộc Hà mỗi năm cho giá trị sản xuất khoảng 200 tỷ đồng, trong đó có Cơ sở sản xuất Thọ Vân (Thạch Kim) với sản phẩm nước mắm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ ngư dân chăm chỉ vươn khơi bám biển nên sản lượng khai thác hải sản của Lộc Hà đạt gần 2.900 tấn/năm, cho giá trị gần 200 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Từ cuối năm 2019 đến nay, tất cả các xã trong huyện đều đã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập, bình quân thu nhập đầu người toàn huyện hiện đạt gần 50 triệu đồng/người/năm (cao hơn 39 triệu đồng so với năm 2010) và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 3,5%, hộ cận nghèo đa chiều còn 3,6% ...