Trò chơi bị thương mại hóa. Sự trong trẻo của tuổi thơ trong đêm rằm nhiều khi bị nhuốm màu sắc khác.
Nhớ mấy năm trước, chị tôi đưa học trò đi rước đèn trung thu - cái lễ hội (1) mà nhờ nó mấy năm nay Phan Thiết nổi danh là TP có lễ hội trung thu lớn nhất nước - về nhà lúc nào cũng phừng phừng tức giận. "Của đâu bắt người ta đóng góp mãi thế. Mới vừa đầu năm phụ huynh đóng một đống tiền trường, giờ lại bắt đóng tiền làm đèn lồng đi diễu. Trẻ con có được chơi tí nào, toàn người lớn tức nhau tiếng gáy" - chị nói.
Ít năm nay đêm rước đèn trung thu truyền thống tại Phan Thiết trở thành một điểm nhấn để ngành du lịch địa phương mời khách.
Đám rước đèn là học sinh tiểu học và trung học cơ sở bé nhỏ thuộc các trường trong TP. Sáu giờ tối đám rước mới bắt đầu từ quảng trường TP đi ra các con đường trung tâm, nhưng thường từ 3 giờ chiều các cháu đã phải tập trung trên trường để thầy cô điểm danh và sắp xếp đội hình, rồi di chuyển đến quảng trường. Tại đó lại thêm một màn sắp xếp đội hình và chờ đợi dài cổ nên bọn trẻ con thường xuyên đói, khát, mệt mỏi. Thậm chí có đứa đang ngồi chờ lăn đùng ra xỉu. Cô giáo cũng vậy. Nhưng vẫn phải đi.
Ảnh minh họa: diendan.dulichquangngai |
Có năm mưa sùi mưa sụt - mùa mưa mà, Phan Thiết hiếm khi có một đêm trung thu trong trẻo không mưa - cả đoàn cũng phải lếch thếch mặc áo mưa đi rước.
Tour du lịch đã bán, kế hoạch đã lên từ lâu, lãnh đạo đã chờ sẵn để phát biểu, truyền hình tỉnh đã dành sóng để tường thuật trực tiếp, tóm lại không thể hoãn. Các em thiếu nhi đội mưa đi rước đèn có cảm sốt thì để ba má các em tính.
Ba má các em cũng hú vía rồi.
Năm tôi lên bảy, cũng hăm hở đi rước đèn ở trường. Vui quá sá. Nhưng chẳng may đang làm lễ bên Vườn bông thì đổ mưa sầm sập. Hồi đó mới sau 1975, điện hiếm, mưa to là cúp hết. Trời đất tối đen. Vỡ trận. Đột nhiên cả cô lẫn thầy chẳng thấy đâu nữa. Bọn trẻ con chạy như ong vỡ tổ, vừa chạy vừa khóc đầm đìa vì sợ. Chạy hú họa theo tụi bạn qua cả nửa thị xã, cuối cùng tôi cũng lần mò về được đến nhà. Vừa mếu máo gọi cổng thì má chạy ùa ra mừng hú hỏi có gặp ba không con? Té ra trời mưa to quá, sấm sét đùng đùng, ba má tôi phát hoảng chạy ngược ra phía Vườn bông kiếm con. Kiếm làm sao được trong cả ngàn đứa trẻ đang hoảng sợ chạy táo tác trên đường.
Hôm sau, ba tôi lên trường gặp giáo viên chủ nhiệm làm cho ra nhẽ.
Giờ, con đi rước thì cha mẹ chạy xe máy kè kè theo. Lỡ mưa gió thì rước con về nhà luôn.
Nhưng đến giờ thì lễ rước đèn vui vẻ của trẻ con đã chuyển thành bệnh thành tích có chiều hướng ngày càng nặng với những danh xưng vô nghĩa như "lớn nhất Việt Nam". Trẻ con Phan Thiết giờ bị buộc tham gia rước đèn - cuộc "rước đèn" thực chất là của những người lớn.
Hầu như không trường học nào ở Phan Thiết muốn tham gia rước đèn. Chi phí rất đắt, trung bình khoảng 50-70 triệu đồng/cái lồng đèn lớn, chưa kể hàng chục lồng đèn nhỏ cùng kiểu mà tụi nhỏ cầm tay nữa.
Từ năm nào đó, ai đó nghĩ ra trò thi lồng đèn thì cuộc rước đèn thực chất đã biến thành cuộc đua tiền và đua sự nghèo nàn về ý tưởng giữa các trường ở Phan Thiết.
Một chiếc đèn trung thu đã được trường học chuẩn bị, sẵn sàng kéo về lễ đài. Ảnh: TNO |
Do rước đèn theo chủ đề nên có những năm đâu đâu cũng giống nhau. Hết hải quân và thuyền thì trái thanh long, năm nào cũng có vài trái xoay xoay. Đèn lớn phải đặt trên xe, thường là xe lam, quá lớn thì nhà trường thuê luôn xe tải. Có ắc quy hoặc máy phát điện theo để giữ nguồn sáng cho đèn kèm mấy chục bóng đèn màu và dây đèn chớp tắt quấn kín quanh xe.
Và hầu như tất cả chi phí là do hội phụ huynh kêu gọi đóng góp. Trường nào nghèo, đi lủi thủi trong đám rước mà cái lồng đèn thiếu hoành tráng như người ta, cũng nóng gáy lắm.
Những đèn lồng lớn chỉ sau một đêm rước là vứt xó, hầu hết các trường bán lại ngay cho cơ sở đã chế tạo. Họ mua giá một vài triệu đồng, phá ra tận dụng khung sắt. Có đoạt giải nhất cũng chỉ được vài ba triệu, "lỗ" tàn tệ, trường nào cũng kêu than nhưng không trường nào dám từ chối. Học trò được chọn đi rước đèn cũng để ghi một cột điểm.
Nhưng mà vui chứ! Ngành du lịch chẳng tốn đồng nào nhưng có ngay một lễ hội đặc sắc. Chương trình được lên ti vi quốc gia, lãnh đạo cũng nở mặt. Người dân nô nức đi xem và bình phẩm. Ui thằng Bi nhà mình lên ti vi kìa! Lại càng vui!
Nhưng đấy là cuộc vui không sòng phẳng. Trẻ con - đáng lẽ là nhân vật chính của lễ hội trăng rằm thì thực chất đã bị biến thành người phục vụ cuộc vui (éo le thay cha mẹ chúng phải trả tiền).
Trò chơi bị thương mại hóa. Sự trong trẻo của tuổi thơ trong đêm rằm nhiều khi bị nhuốm màu sắc khác.
Mặc kệ những người lớn khác ngồi tính toán hiệu quả cuộc kinh doanh trung thu của họ.
Hoàng Xuân
Xem bài cùng tác giả
Bênh chợ cóc: Lối nghĩ của xứ chuộng xe máy? Tựu trung vẫn là thứ lý lẽ quanh quẩn, đặc trưng của một xứ dân cư xe máy, chỉ nghĩ đến cái tiện lợi trước mắt cho cá nhân mình mà bất chấp lợi ích của người khác hay của cộng đồng. Hồn Sài Gòn có thể... quy ra tiền không? Đang có hai luồng ý kiến, một bên thương đau u uất và nóng giận, phía nóng lòng thay công trình xấu xí thay bằng những công trình đẹp đẽ. |