Lợn 'nít' thả rông trên đồi

Lợn 'nít' hay còn gọi là lợn mọi, lợn cắp nách, lợn mường, lợn mán... là cách gọi những chú lợn giống địa phương thuần chủng, được nuôi thả rông khá phổ biến trong các gia đình người dân miền núi Tây Bắc Nghệ An. Với vóc dáng nhỏ, loại lợn này chỉ đạt trọng lượng từ 5-13kg. Với đặc điểm ít mỡ, nhiều nạc, xương mềm, đảm bảo 100 % là thịt sạch bởi thói quen thả rông không nuôi nhốt, món lợn 'nít' càng trở nên hấp dẫn.

Lợn 'nít' nướng, đặc sản đất Nghệ An 'chiều' được lòng cả những du khách khó tính nhất

Anh Hoàng Nghĩa Thường, chủ một quán ăn ở ở TP Vinh chia sẻ, đàn lợn nít thả rông của anh được nuôi tại trang trại rộng hơn 3 ha, có đồi núi, cây cối tươi tốt tại khu vực xã biên giới Thanh Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An) giáp nước bạn Lào. Thức ăn của lợn nít chủ yếu là khoai, ngô, sắn, chuối và cây cỏ tự nhiên mọc ở lưng chừng đồi. 

Lợn thả rông ở đồi núi ăn chuối tự nhiên - Ảnh: HT

Món lợn 'nít' ở Nghệ An khi chế biến lên có mùi thơm và rất đặc trưng bởi lợn được thả ở môi trường bán hoang dã tự nhiên.

“Lợn nít thả rông chậm lớn do không dùng thực phẩm kích thích tăng trọng. Miếng thịt chế biến lên ăn rất ngon. Những con lợn sống ở không gian rộng lớn thì cũng giống như lợn rừng tự nhiên. Loại lợn nít này được lai tạo từ lợn bản của bà con đồng bào dân tộc miền núi thường thả rông dưới nhà sàn, có trọng lượng tối đa 30kg sau khi nuôi từ 8 đến 12 tháng” – anh Thường chia sẻ.

Bình quân mỗi ngày quán ăn của anh tiêu thụ từ 1 - 2 con, trọng lượng từ 25 – 30kg/con. Các món lợn 'nít' được chế biến ở đây chủ yếu là: Lòng lợn, lợn hấp, lợn nướng hạt dổi hoặc hạt mắc khén, chân giò hầm khoai sọ,… trong đó món lòng lợn được chế biến kỳ công, qua nhiều công đoạn và mất thời gian nhiều nhất.

“Để món lòng ăn có vị ngon, bùi thì không phải ở đâu cũng làm được. Các gia vị chính của món lòng ở quán mình bao gồm rau má, lạc rang, mùi tàu, rau quế và gia vị đặc biệt riêng mà chúng tôi không thể tiết lộ…” - chủ quán bộc bạch.

Nước chấm của món lợn nít thường là mắm tôm vắt chanh và pha với rượu trắng, đường hoặc muối trắng rang với hạt mắc khén, hạt dổi…

Món lòng lợn ăn vào phải có mùi thơm, giòn tự nhiên - Ảnh: Quốc Huy
Thịt lợn thả rông gần giống với lợn rừng tự nhiên, khi ăn chấm kèm mắm tôm hoặc muối trắng - Ảnh: Quốc Huy

Cổ gà chọi làm dồi…

Gà chọi ở Nghệ An được kết hợp nuôi thả bán tự nhiên cùng đàn lợn 'nít' thả rông. Bình quân mỗi con gà chọi cổ đỏ dài được nuôi hơn 1 năm, cân nặng từ 3- 4kg mới được đưa về thành phố Vinh chế biến thành đặc sản. 

Gà chọi có cổ dài, mỗi con nặng từ 3-4kg mới được bắt về chế biến - Ảnh: H.T

Mâm gà chọi ở đây thường có 7 món: Súp gà, gà hấp, gà xào lăn, gà nộm, lòng nấu miến, xương gà nấu giả cầy và đặc biệt nhất là món cổ gà đổ dồi.

Món đặc trưng khá nổi tiếng ở quán là cổ của gà chọi được đổ làm dồi như lòng lợn. “Cổ gà đổ dồi là món riêng của quán. Để chế biến món này ngoài những gia vị chính như món dồi lợn thì không thể thiếu lá chanh. Đĩa cổ gà chọi đổ dồi thường được bày cùng tim, gan, mề và kê cho đủ bộ. Cổ gà chọi không có nhiều nên thường mỗi mâm chỉ có 1 đĩa và đủ mỗi người thưởng 1-2 miếng. Đây là một trong những món mà rất nhiều người ưa thích khi thưởng thức gà chọi 7 món” – chủ quán bộc bạch khi nói về các món ngon, tạo nên thương hiệu ở Nghệ An.

Nếu như một dĩa lòng lợn nít ngon chỉ có giá từ 200 nghìn đồng thì một dĩa cổ gà đổ dồi, kèm theo kê, tim, gan và mề chỉ có giá 150 nghìn đồng/ đĩa.

Cổ gà chọi được đổ dồi lạ mắt...
... đến miếng thịt gà chọi được cắt ra tinh tế - Ảnh: Quốc Huy
Món cổ gà chọi được bố trí đầy đủ - Ảnh: H.T

Đến Nghệ An, ngoài những đặc sản nổi danh như lươn, mực nháy, giò bê..., du khách đừng quên thưởng thức các món ăn hấp dẫn chế biến từ lợn nít thả rông trên đồi và gà chọi 7 món vô cùng độc đáo ở 'xứ sở nắng gió' này.

Quốc Huy