Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia cầm có diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan nhanh, ngành thú y tỉnh Long An khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tránh để lây lan diện rộng.
Người chăn nuôi tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia cầm. |
Tại huyện Thạnh Hóa có trên 2,8 triệu con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 1 ổ cúm gia cầm tại ấp 1, xã Thủy Tây. Sau khi ổ cúm được xác định dương tính với virus cúm A/H5N1, địa phương tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Ông Phạm Minh Đức, xã Thủy Tây đang nuôi 300 con gà thịt và 300 con gà đẻ trứng. Để đảm bảo an toàn cho đàn gà, ông chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch như: Tiêm vắc xin, khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, cho gà ăn các thực phẩm tăng sức đề kháng.
Hộ chăn nuôi của anh Trương Huỳnh Anh rục rịch tái thêm đàn mới. Số gia cầm giống được cách ly đủ thời gian quy định mới cho tái đàn.
Theo báo cáo của ngành chăn nuôi tỉnh Long An, đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh có trên 9,6 triệu con gia cầm. Ngành thú y tỉnh có nhiều hoạt động phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm… Đến nay, dịch bệnh gia cầm cơ bản được khoanh vùng, khống chế, kiểm soát khá tốt.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai tiêm phòng miễn phí gần 1,9 triệu liều vắc xin cúm trên gia cầm; phun thuốc tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh, côn trùng trong môi trường 2 ngày/lần tại các địa bàn có dịch và 2 lần/tuần những địa bàn còn lại.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, ngay từ đầu năm, ngành đã có kế hoạch cụ thể, giao Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh triển khai định kỳ hỗ trợ hệ thống thú y cơ sở hiệu quả.
Cùng với phòng, chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học để quản lý hiệu quả và dễ dàng khống chế dịch bệnh khi xảy ra.
Những tháng cuối năm, dự báo tình hình thời tiết vẫn còn phức tạp. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện và tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia cầm. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó, bảo đảm công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Thu Hà