Tại Thái Bình có một nghĩa trang đặc biệt, được xem là “Lớp học vĩnh hằng”, đó là nghĩa trang 21/10.
Đây là nơi yên nghỉ của cô giáo, liệt sỹ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh lớp 7, trường Phổ thông cấp 2 Thụy Dân (nay là Trường TH&THCS Thụy Dân), những người đã ra đi trong trận bom thảm khốc ngày 21/10/1966 của đế quốc Mỹ và cũng là minh chứng cho một thời kỳ chiến tranh khốc liệt.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tấn, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thụy Dân cho biết, dù đã gần 60 năm trôi qua nhưng ký ức về cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân vẫn được các thế hệ thầy trò của trường trân trọng. Sự hy sinh của cô là minh chứng cho lòng yêu nghề, yêu học trò của một nhà giáo.
Ký ức kinh hoàng về trận bom khốc liệt giặc Mỹ trút xuống Trường Phổ thông cấp 2 Thụy Dân vào 21/10/1966 cũng vẫn còn ám ảnh ông Lê Văn Thắng (trú tại xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy), một trong những học sinh may mắn sống sót.
Ông Thắng kể, Trường Phổ thông cấp 2 Thụy Dân được thành lập tháng 8/1966, lớp ông là khoá lớp 7 đầu tiên, có 52 học sinh.
Vị trí của trường khi ấy nằm ở rìa làng, nơi đồng không mông quạnh, xung quanh không có khu kinh tế, quân sự nào cũng chưa từng bị đánh bom, nhưng vẫn có giao thông hào để phòng bị. Khuôn viên trường có hai cây đa lớn tỏa bóng mát, có hàng thông cao vút, khung cảnh rất đỗi yên bình.
Buổi sáng định mệnh ngày 21/10/1966, các lớp 5 và 6 đã tan, lớp 7 cũng sắp hết tiết cuối cùng. Khi cả lớp đang chăm chú nghe cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân giảng bài môn văn, trên bầu trời đột nhiên xuất hiện tiếng máy bay. Trong làng vang lên tiếng kẻng báo động. Ngay lập tức, cô giáo ngừng bài giảng, hướng dẫn học sinh xuống giao thông hào.
“Lúc đó, tiếng máy bay càng lúc càng gầm thét lớn. Bất ngờ, có một tiếng rú như xé toạc không gian, rồi tiếng nổ lớn vang lên. Tôi nhìn vào trong làng thấy khói cuộn bốc lên mù mịt.
Sau tiếng nổ ấy, một bạn ngồi cạnh tôi dưới giao thông hào bật khóc. Tôi hỏi bạn bị làm sao, bạn trả lời: ‘Có lẽ nhà mình bị bom đánh trúng rồi’. Vừa dứt câu, máy bay lao đến, trút bom xuống trường học của chúng tôi. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên và tôi ngất lịm không còn biết gì nữa”, ông Thắng nhớ lại.
Sau 2 lượt bom, trường học bị san phẳng, khung cảnh tan hoang, mù mịt khói bụi. Toàn bộ học sinh và cô giáo bị vùi dưới đất.
“Sau trận bom thứ 2, tôi cố giãy giụa mãi mới thoát được cả người lên trên mặt đất, vuốt mặt thấy máu me đầm đìa, trên đầu bị 3 vết thương. Dù rất đau nhưng tôi vẫn cố chạy đi, được vài trăm mét thì ngã gục xuống, tỉnh lại thì thấy mình đang trong bệnh viện và hay tin cô giáo và 30 bạn đã mất.
Tôi nghe kể, thấy trường học bị đánh bom, dân quân các xã tập trung rất đông đến đào bới cứu người. Có những bạn đã được bới ra, nhưng đúng lúc máy bay quay lại kiểm tra mục tiêu nên mọi người buộc phải tản ra. Khi quay lại thì bạn ấy đã không còn.
Còn cô giáo Xuân hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 24, đang mang thai đứa con thứ 2, để lại con thơ chưa đầy 3 tuổi. Lúc được tìm thấy, cô Xuân vẫn đang ôm chặt hai học sinh”, ông Thắng nghẹn lời kể lại.
Sự kiện đau thương này đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. 4 ngày sau vụ ném bom, ông Thắng được đưa ra Hà Nội tham gia cuộc họp báo quốc tế tố cáo tội ác của giặc Mỹ.
Ông Thắng chia sẻ: "58 năm đã trôi qua nhưng năm nào cũng thế, cứ đến ngày 21/10, những cựu học sinh lớp 7 năm xưa còn sống sót, dù ở xa hay gần, đều sẽ về “Lớp học vĩnh hằng” thắp hương, tưởng nhớ cô giáo Xuân và các bạn".