Những giờ học ở Trường THPT Tân Yên số 1 gần đây khác hẳn với thường lệ.
Ở lớp 10A5, tổng sĩ số là 39 học sinh thì có gần 15 em phải học trực tuyến. Ngoài ra, một số học sinh khối 10 khác của Trường THPT Tân Yên số 1 cũng đang trong diện cách ly hoặc ở vùng giãn cách. Thế nhưng, tất cả đều được tham gia vào bài giảng của thầy giáo Bùi Thái Nam (Tổ trưởng tổ Toán – Tin) trên lớp và tương tác một cách nhuần nhịp.
Trước đó, thầy Bùi Thái Nam (Tổ trưởng tổ Toán – Tin) đã chuẩn bị các slide bài giảng, lưu ý những nội dung cốt lõi của bài học cho những học sinh này. Khi đến giờ giảng trên lớp, thầy Nam dùng các phần mềm hội họp, dạy học trực tuyến như MS Team, hay Google Meet, Zoom,... tạo cuộc họp và gửi link tham gia cho các em.
Như vậy, chỉ khác là các em không đến trường còn mọi diễn biến và các hoạt động vẫn như ở trên lớp, từ việc phát biểu ý kiến, kiểm tra việc làm bài tập,...
Thầy Bùi Thái Nam (giáo viên Trường THPT Tân Yên số 1, Bắc Giang) trong một giờ dạy |
Thích ứng với điều kiện dạy học mới
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên như nhiều trường học khác trong cả nước, Trường THPT Tân Yên số 1 cũng phải chuyển sang dạy trực tuyến. Do không phải là công việc được thực hiện thường xuyên trước đây, vì thế, nhiều giáo viên không khỏi lúng túng.
Học sinh vùng giãn cách phát biểu ý kiến trong giờ học đặc biệt của thầy Nam |
Từng là điểm nóng của dịch Covid-19, thầy Nam cho hay, việc học trực tuyến còn khó khăn gấp bội khi tâm lý phụ huynh, học sinh rất lo lắng. “Nhiều em trong diện phong tỏa, ở các khu cách ly, đặc biệt là những em F1 rất sợ bị mắc Covid-19 nên không còn nhiều tâm trí cho việc học. Chưa kể, nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, đông con nên việc chuẩn bị cùng lúc nhiều thiết bị cho con học rất khó”, thầy Nam kể.
Trong điều kiện khó khăn ấy, thầy Nam cùng các đồng nghiệp trong tổ Toán- Tin và nhà trường phải học cách thích nghi với điều kiện dạy học mới.
Việc đầu tiên của thầy Nam là trấn an tâm lý các học sinh. “Với những học sinh diện F1, F2, hằng ngày, mình thường xuyên phải gọi điện nói chuyện, động viên. Khi tâm lý các em ổn định mới bắt đầu việc dạy học”.
Các giáo viên cũng phải liên hệ với phụ huynh để thuyết phục gia đình cố gắng tạo điều kiện cho các con như đầu tư hoặc cho con mượn điện thoại để tham gia học trực tuyến.
Với những học sinh mà gia đình kinh tế khó khăn, thiếu thốn trang thiết bị học trực tuyến, thầy và đồng nghiệp ngay lập tức nắm bắt để huy động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cho các em.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo thầy Nam, khi chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học cũng như thiết kế bài dạy.
“Với dạy học trực tuyến thì việc giữ tương tác giữa thầy và trò là cực kỳ quan trọng. Nếu vẫn dạy y như trực tiếp, thì với một số học sinh, đó như là việc ru ngủ. Để duy trì được tương tác tốt, đảm bảo cho các em học tập nghiêm túc và có kết quả, tôi phải thực hiện song song nhiều biện pháp. Tôi sử dụng phần mềm hỗ trợ cho bộ môn về hình ảnh, âm thanh, video minh họa cho bài giảng sinh động, qua đó giúp các em hiểu và nắm kiến thức bài học tốt hơn. Ngoài ra, lồng ghép vừa dạy vừa có những hoạt động trò chơi, trắc nghiệm,... để học sinh tập trung tham gia vào giờ học”.
Thầy Nam nhận thấy rõ rằng, với học trực tuyến, đối tượng học sinh có học lực trung bình và yếu gặp rất nhiều khó khăn, bởi khả năng tiếp nhận kiến thức.
Để khắc phục, thầy Nam chia thành những nhóm học sinh nhỏ. Ngoài việc dạy chung trên lớp, thầy dành thêm thời gian tổ chức những buổi phụ đạo bổ sung kiến thức riêng cho các em.
“Tôi tìm cách giao bài, đặt câu hỏi phù hợp với năng lực của các em. Bên cạnh đó, cũng có cả những cách thức động viên các em làm bài đầy đủ. Khối lượng công việc và thời gian như tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Học sinh thấy mình nhiệt tình thì cũng tự ý thức cố gắng”, thầy giáo sinh năm 1984 tâm sự.
Sau thời gian đầu còn bỡ ngỡ, gặp khó khăn vì học trực tuyến, các học sinh dần quen và chất lượng dần đi vào ổn định.
Kết quả, năm học vừa qua, 90% học sinh lớp thầy Nam chủ nhiệm trúng tuyển nguyện vọng 1, nhiều em đỗ vào các trường đại học top đầu như ĐH Y Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020-2021, học sinh Giáp Tiến Dũng đã đạt điểm 10 môn Toán duy nhất của tỉnh Bắc Giang.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Toán - Tin của trường cũng như là giáo viên cốt cán của Sở GD-ĐT Bắc Giang, thầy Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhiều đồng nghiệp khác bằng cách hướng dẫn sử dụng các phần mềm, ứng dụng dạy trực tuyến, dựng lại các video để đồng nghiệp có thể xem lại bất kì lúc nào.
Cũng vì thế, ngoài bận rộn với việc dạy học, thầy Nam cũng liên tục giải đáp rất nhiều thắc mắc của đồng nghiệp.
“Bận rộn suốt ngày nhưng mình lại thấy đó là niềm vui. Họ không hỏi mình thì đó mới là điều đáng buồn”, thầy Nam chia sẻ.
Gia đình 3 đời theo đuổi nghề giáo và nỗ lực đổi mới
Thầy Nam tâm sự, chọn nghề giáo với bản thân là một niềm hạnh phúc. Đại gia đình thầy gồm ông bà, bố mẹ, chị gái, anh rể, bản thân và vợ đều là giáo viên.
“Từ bé, nghe các thầy cô giảng bài mình đã cảm thấy rất thích và muốn theo đuổi nghề này. Làm thầy, điều vui nhất là đi đâu cũng có học trò”.
Thầy Nam cũng rất vui khi nhiều học trò của mình đã chọn theo ngành sư phạm.
Thầy Bùi Thái Nam (giáo viên Trường THPT Tân Yên số 1, Bắc Giang) |
Chia sẻ trước đây bản thân không tìm hiểu quá nhiều về công nghệ, nhưng khi dạy trực tuyến, cảm thấy các học sinh dễ chán nản, dễ buồn ngủ, thầy Nam nhận thấy phải tìm cách để các em thích thú, hứng khởi, tập trung hơn.
Ngoài tham gia tập huấn và mày mò tự tìm hiểu, thầy Nam cũng bỏ tiền túi đăng ký các khóa học trên mạng.
“Tôi chấp nhận bỏ tiền ra để học, bởi “học mót” thì chỉ được một ít và khó được bài bản. Cũng vì vậy mà tôi thường rủ các giáo viên trong trường góp tiền cùng học để họ đỡ áp lực kinh tế. Như vậy, một tài khoản đăng ký nhưng có thể cả tổ đều học được”.
Thầy Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Yên số 1 cho hay, khi dịch bệnh chưa diễn ra, thầy Nam cũng đã là một giáo viên nhiệt tình, năng nổ trong các công việc, hoạt động của nhà trường, hết lòng vì học sinh và được các em yêu mến.
“Thầy Nam cũng là một trong những người đầu tiên tiếp cận các nền tảng dạy học trực tuyến, công nghệ thông tin để hướng dẫn các học sinh cũng như các thầy cô giáo khác trong trường.
Thầy cũng là người đầu tiên triển khai hoạt động dạy học trực tuyến cho học sinh dù các em vẫn đang đi học trực tiếp qua hình thức ôn luyện, củng cố kiến thức bài học để các em làm quen và luôn trong trạng thái sẵn sàng khi chuyển đổi hình thức học”.
Hiện, toàn Trường THPT Tân Yên số 1 đang có gần 300 em diện cách ly hoặc trong vùng phong tỏa. Song với những lớp học linh hoạt như của thầy Nam, các học sinh này tuy không thể đến trường nhưng vẫn được học như các bạn ở lớp qua hình thức trực tuyến.
Nhờ những nỗ lực đóng góp cho công tác giáo dục tại địa phương, thầy Nam vinh dự đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”, “Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh”, Giấy khen của Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, thầy Nam cũng vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
Thanh Hùng
UB Văn hóa – Giáo dục Quốc hội: Cần giải pháp chiến lược về học online
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, ĐBQH Quảng Bình- Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Quốc hội cho rằng, việc dạy, học trực tuyến sẽ là một cấu phần quan trọng trong hoạt động của ngành giáo dục, vì thế cần có giải pháp mang tính chiến lược.