Lời tòa soạn: Ông Vũ Ngọc Sơn, Chuyên gia bảo mật đã đưa ra cảnh báo kịp thời về nguy cơ lừa đảo “khóa thuê bao” trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. VietNamNet trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Khoảng nửa cuối năm 2022 đã chứng kiến sự bùng phát của các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo dưới hình thức "khoá thuê bao" và yêu cầu nâng cấp, qua đó lừa chiếm đoạt SIM, rồi chiếm tiếp tài khoản ngân hàng của người dùng. Rất nhiều người đã bị mắc bẫy và mất số tiền lớn.

Tin nhắn lừa đảo đã bùng phát cuối năm 2022. Ảnh minh họa: Facebook nhân vật

Trong thông báo mới nhất, sau ngày 31/3 hàng loạt thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin sẽ bị khoá. Nỗ lực này của cơ quan nhà nước sẽ tiến tới quản lý SIM một cách chặt chẽ, loại bỏ các SIM rác. Tuy nhiên, cần chú ý nguy cơ lừa đảo "khoá thuê bao" sẽ quay trở lại, người sử dụng cần hết sức cảnh giác, đề phòng.

Đầu tiên là vấn đề về tâm lý. Theo thông tin được các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra thì thông tin thuê bao phải trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư, điều này sẽ gây bối rối cho đa số người sử dụng. Bởi, với các thuê bao đã sử dụng từ rất lâu, các thông tin đăng ký như số CMND, hộ khẩu thường trú có thể không còn đúng với các thông tin mới nhất được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu dân cư, ví dụ như đã bỏ CMND cũ và thay bằng số CCCD mới, hộ khẩu thường trú cũng có thể thay đổi trong quá trình sinh sống…. Khi không biết thông tin của mình có trùng khớp hay không thì sẽ gây tâm lý chờ đợi đối với người dùng để xem mình có nhận được tin nhắn thông báo từ nhà mạng hay không. Với sự “bất an” như vậy, có thể dễ bị kẻ xấu lợi dụng để gửi các tin nhắn giả mạo, lừa đảo như kích hoạt lại SIM, đăng ký lại thông tin, từ đó có thể bị mất SIM, mất thông tin cá nhân...

Nhà mạng nếu được nên cung cấp một kênh thông tin chính thức, cho phép người dùng tự kiểm tra xem số điện thoại của mình đã chuẩn thông tin đăng ký chưa. Bằng cách này, người dùng có thể tự chủ động kiểm tra số điện thoại của mình và có hành động cập nhật thông tin nếu cần, tránh bị động, dễ mắc bẫy những đối tượng lừa đảo.

Bên cạnh đó, việc nhà mạng sẽ gửi tin nhắn từ brandname (tin nhắn thương hiệu là dịch vụ hỗ trợ các nhà cung cấp sử dụng kênh thông tin di động để quảng bá nhãn hàng, sản phẩm, dịch vụ hoặc chăm sóc khách hàng-PV) để hướng dẫn các thuê bao có thông tin chưa chuẩn cũng có thể bị lợi dụng. Chúng ta đã chứng kiến hình thức gửi tin nhắn brandname giả mạo đã rất phổ biến thời gian qua. Nguy cơ này hoàn toàn có thể tái xuất trở lại. Vì vậy, kể cả trong trường hợp nhận được thông báo từ brandname của nhà mạng thì người dùng cũng cần hết sức cảnh giác đề phòng, cần xác minh lại qua kênh thứ 2 như gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc cẩn thận hơn thì đến điểm giao dịch để xác minh lại.

Vũ Ngọc Sơn