Tây Ninh không chỉ là vùng đất nổi tiếng về bánh tráng, muối chấm trái cây mà còn nổi tiếng với đặc sản bánh canh Trảng Bàng.
Đặc biệt bánh canh của dòng họ Bùi ở khu phố Gia Huỳnh, thị trấn Trảng Bàng lâu nay nổi tiếng với các quán như Năm Dung, Sáu Liên, Út Huệ. Nhờ bí quyết gia truyền, bậc hậu duệ họ Bùi từ nghèo khó, ai ai cũng đã đều tậu được biệt thự, xe hơi
Chỉ truyền nghề cho con gái
“Cha mẹ đẻ” món bánh canh của dòng họ Bùi ở Trảng Bàng là vợ chồng cụ Phạm Thị Trang và Bùi Văn Phương (SN 1883, ngụ ấp Gia Huỳnh, nay là khu phố Gia Huỳnh). “Cụ thường mặc áo dài, gánh bánh canh ra đầu chợ ngồi bán. Dòng họ tui khởi nghiệp từ gánh hàng rong như thế”, bà Nguyễn Kim Dung (tự Năm Dung, SN 1934), cháu ngoại cụ Trang kể.
Theo lời bậc hậu duệ, việc chế biến bánh canh chủ yếu do cụ Trang đảm nhận. Để làm ra sợi bánh ngon và dai, cụ Trang xay bột bằng cối đá, nhào với nước cho dẻo rồi ép chặt bằng vỉ sắt có nhiều lỗ. Bột bánh chủ yếu làm từ gạo.
Các công đoạn nấu bánh canh cần nhiều người nên cả nhà cụ Trang mỗi người một tay. Đàn ông giã gạo, xay bột; đàn bà làm bánh, nhặt rau và nấu nước lèo để nêm vào khi ăn. Tuy nhiên chỉ con gái trong nhà mới được cụ Trang truyền nghề.
Đến đời thứ hai là mẹ bà Năm Dung, cụ Bùi Thị Bạn (mất năm 2008, thọ hơn 100 tuổi) kế nghiệp nấu bánh canh. Hồi đó giá mỗi bát bánh canh chỉ 5 xu. Đến khi cụ Bạn già yếu, đã truyền nghề cho các con gái gồm bà Năm Dung, Sáu Liên và Út Huệ.
Lý giải việc chỉ truyền lại nghề cho con gái, bà Năm Dung nói: “Thời xưa đâu có mở hàng quán như bây giờ. Muốn bán phải gánh ra ngoài chợ. Con trai tuyệt nhiên không bao giờ chịu cảnh gánh hàng ra chợ ngồi suốt cả ngày để bán. Nếu con trai được truyền nghề, con dâu sẽ biết và không khéo lại làm mất nghề gia truyền”.
Bà Năm Dung cho biết từ gánh hàng rong, bà đã tậu được biệt thự, xe hơi |
Tới thế hệ mình, bà Năm Dung vẫn gánh hàng bán rong, lượng khách vẫn đông nghịt. Sau giải phóng, chính quyền yêu cầu bà Năm Dung phải lập quán bởi bán vỉa hè vừa mất vệ sinh lại ảnh hưởng đến giao thông do khách dừng lại ăn gây tắc nghẽn. Đó chính là cơ hội để bà Năm Dung lập nên cơ ngơi hoành tráng như bây giờ. “Nhờ cấm bán vỉa hè, tôi mới tạo dựng được cơ nghiệp từ quán lá nhỏ đặt tên “Năm Dung”, bà nhớ lại.
Hiện bà Năm Dung đã truyền nghề lại cho con gái đầu lòng tên Bùi Thị Phượng (SN 1956). Thế hệ thứ tư dòng họ Bùi lại tiếp nối, giữ “hồn cốt” món đặc sản vùng đất Trảng Bàng. Không những thế, con cháu họ Bùi đem cả món bánh canh xuống TP.HCM “mở rộng địa bàn”. Đó là quán Hoàng Minh trên đường Lý Thái Tổ, quán Sáu Liên trên đường Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình...
Tậu biệt thự, xe hơi nhờ nghề nấu bánh canh
Nước lèo được xem là bí quyết của bánh canh Trảng Bàng. Không giống với nơi khác, dòng họ Bùi dùng nước giếng trong vắt ở quê để nấu. Họ từng dùng nước máy nấu thử nhưng không ngon bằng, bèn quay lại dùng nước giếng.
Bí quyết nữa, ngày xưa bánh canh khởi đầu có móng giò heo luộc giòn, kèm theo chén nước mắm tiêu và đĩa chanh ớt. Khi vắt chanh vào nước mắm tiêu để chấm giò heo sẽ cảm nhận được vị cay, chua và mặn giúp giò heo giòn và ngon hơn. Đến ngày nay, đáp ứng yêu cầu của thực khách, bánh canh Trảng Bàng có nhiều loại từ thịt luộc, giò heo đến bánh canh chay, bánh canh chả cá hay cá lóc…
“Đối với thịt heo luộc, người ta cứ hỏi tại sao tôi luộc thịt trắng như dùng hóa chất. Tôi cam đoan không bao giờ dùng bất cứ hóa chất nào. Bí quyết luộc thịt được trắng rất đơn giản, sau khi luộc xong, lấy thịt ra được cho vào thau nước cất để nguội ngâm.
Ngâm đến khi thấy nước hơi ấm phải thay nước khác, khoảng 3 lần thay nước như thế thịt sẽ nguội, lúc thái ra trắng phau”, bà Năm Dung không giấu diếm.
Còn nước lèo không được nấu nhiều, mỗi lần chỉ nên dùng 50 lít nước cho vào nồi rồi nêm gia vị vừa đủ. Theo bà Năm Dung, lâu nay người ta cứ nhầm tưởng luộc nhiều thịt nước lèo sẽ ngọt nhưng hoàn toàn sai lầm. Ngược lại luộc quá nhiều thịt sẽ khiến nước bánh canh bị chua. Kỳ công nữa, món rau ăn kèm phải đủ 18 loại rau rừng được trồng trong vườn nhà như: Rau chiết, lá vừng, rau quế vị, sao nhái, lá cốc, lá bứa…
Bánh Canh góp phần tạo lên hồn cốt đất Trảng Bàng |
Ngạc nhiên hơn, bánh canh của dòng họ Bùi còn… xuất ngoại, cung ứng hàng trăm tô mỗi ngày sang nước bạn Campuchia. “Mỗi ngày, họ đều gọi điện sang đặt hàng. Ít thì tôi cho nhân viên chở bằng xe máy tới cửa khẩu sẽ có người đến nhận hàng. Còn nhiều quá phải chở xe tải nhỏ sang tận Nam Vang (Campuchia). “Họ yêu cầu làm sẵn bánh, nước lèo, thịt và rau sống. Khi mang về nhà chỉ việc đun lại nước lèo cho nóng là ăn ngay”, bà Năm Dung kể.
Đáng khâm phục, từ gánh bánh canh của tổ tiên, thế hệ hậu duệ như bà Năm Dung, Sáu Liên, Út Huệ đã biết cách phát huy làm giàu. Bà Năm Dung hiện đang làm chủ tới 3 căn biệt thự, mua được hàng chục mẫu đất trồng trái cây và sắm cả xe hơi, xe tải.
Bà Dung thẳng thắn: “Mình làm giàu chính đáng, lại góp phần gìn giữ nghề gia truyền, có gì phải xấu hổ mà phải ngại. Không chỉ mình tôi, nhiều con cháu, chị em theo nghề bán bánh canh đều khá giả, mua biệt thự và xe hơi. Quán tôi mỗi ngày thu về khoảng 10 triệu đồng.”.
Bậc hậu duệ dòng họ Bùi chia sẻ, còn có một “bí quyết” khác dẫn đến thành công, đó là lòng trung thực, không được dối trá khách bất cứ điều gì. Nước lèo chính tay bà nấu, rau sống do chính tay bà chọn. Điều khiến bà Năm Dung lo lắng là nhiều quán bánh canh hiện nay đang “nhái” con cháu họ Bùi ở Trảng Bàng làm mất uy tín, thương hiệu bánh canh gia truyền họ Bùi chính gốc.
Ngày nay, quy định chỉ truyền nghề nấu bánh canh cho con gái vẫn được hậu duệ họ Bùi duy trì. Họ quan niệm phụ nữ biết giữ bí mật, còn nếu truyền cho con trai, nghề gia truyền dễ bị lộ ra ngoài bởi đàn ông thường nghe lời vợ.
(Theo PLVN)