Hôm 02/11, nhân chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã đến thăm Học viện Ngoại giao và phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo bàn tròn “Luật pháp quốc tế và trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Học viện Clingendael (Hà Lan) tổ chức.
Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và khẳng định rằng Hà Lan, với vai trò "thủ phủ của Luật quốc tế" luôn tuân thủ và ủng hộ luật pháp quốc tế.
Trình bày tại Hội thảo, Thẩm phán Horinouchi Hidehisa, Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) khẳng định UNCLOS là "Hiến pháp của đại dương" do đó các vấn đề về luật biển đều phải phát triển phù hợp với UNCLOS. Ông Horinouchi cũng nhắc đến các thách thức mới không thể lường trước khi soạn thảo và thông qua UNCLOS, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiến bộ công nghệ và biến đổi khí hậu như nước biển dâng và bảo tồn dạng sinh học biển tại các vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
Thẩm phán đánh giá cao tầm quan trọng của "Hiệp ước Biển cả" về BBNJ và khả năng của ngoại giao đa phương trước các thách thức khó khăn. Về triển vọng trong tương lai, Thẩm phán cho biết cần phải mở rộng phạm vi của Luật biển ra những "chân trời mới" như: Công nghệ mới (các phương tiện không người lái), khai thác hợp lý và hiệu quả khu vực đáy biển chưa được khám phá, đồng thời vẫn cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực truyền thống khác.
Cùng dự và phát biểu tại Hội thảo có Giáo sư Alfred H. A. Soons, Đại học Utrecht (Hà Lan). GS. Alfred nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS, cũng như các nước cần tiếp tục phát triển và làm rõ các quy định của UNCLOS trong bối cảnh phát triển công nghệ, kinh tế và xã hội.
Giáo sư khẳng định luật pháp quốc tế áp dụng bình đẳng cho các quốc gia không kể lớn nhỏ và do đó góp phần đạt được trật tự công bằng và bình đẳng trên biển. GS. Alfred cũng cho biết, UNCLOS hiện đang đối mặt với việc bổ sung các quy định hoặc thay đổi cách diễn giải một số quy định hiện hành do tình hình thế giới nhiều biến động. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế có những cách thức linh hoạt hơn để thay đổi mà không cần thiết lập các hiệp định mới.