Chiều ngày 10/4, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Phát biểu tại hội thảo này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ, sau 13 năm, Luật Viễn thông hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần sửa đổi Luật này. Dự thảo Luật mở rộng hơn, đưa vào 3 dịch vụ mới gồm: quản lý về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, quản lý dịch vụ ứng dụng OTT. Ông Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, cần làm rõ việc đưa 3 dịch vụ này vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật có khả thi không, hay nên được điều chỉnh ở một khung khổ pháp luật khác.
Nhiều ý kiến nhận định, Luật Viễn thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển và Chính phủ đưa ra chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, các dịch vụ viễn thông truyền thống đang đi xuống và xuất hiện nhiều dịch vụ kết nối mới thay thế cũng cần thay đổi cách quản lý cho phù hợp với xu hướng phát triển.
Tại hội thảo này, nhiều ý kiến chia sẻ, Luật Viễn thông (sửa đổi) phải bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên đối với lĩnh vực quản lý thị trường bán buôn, cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới, bảo vệ thông tin người dùng và quyền của người sử dụng dịch vụ…
Các ý kiến cho rằng, cần làm rõ khái niệm các dịch vụ OTT, dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu… có phải là dịch vụ viễn thông hay không và mức độ quản lý như thế nào. Cũng có ý kiến phân tích, cần làm rõ các nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông để bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bàn luận, cần làm rõ hơn những nguyên tắc và nội dung trong sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.
Tại hội thảo này, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN cho rằng, Luật Viễn thông (sửa đổi) phải thể hiện được yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quân cũng đề nghị bổ sung hành vi mua bán thông tin cá nhân vào luật này.
Tham luận về Luật Viễn thông (sửa đổi), bà Lê Đức Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Ngoại giao) nhận định, dịch vụ viễn thông có tính chất quốc tế cao và Việt Nam cũng có cam kết những điều khoản quốc tế có liên quan như quyền con người, nguyên tắc không phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, Luật Viễn thông (sửa đổi) phải phù hợp với những điều khoản này.
Ông Lê Công Lương, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì cho rằng, Luật Viễn thông phải tránh tăng chi phí cho doanh nghiệp và giảm cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, luật này phải bảo vệ người tiêu dùng và quyền được thụ hưởng các dịch vụ mới.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Học viện Hành chính quốc gia cũng nêu ý kiến, Luật Viễn thông phải bảo vệ người tiêu dùng và quyền tiếp cận dịch vụ của người dân, trong đó có những người dân đang sinh sống tại các khu chung cư liệu có được quyền thay đổi nhà cung cấp dịch vụ khi chung cư này chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ được lắp đặt hạ tầng ở đây.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Tuấn nêu ra một thực tế là doanh nghiệp nào nắm giữ hạ tầng viễn thông thụ động, thường ít tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác sử dụng chung, nếu đồng ý cho sử dụng thì giá thuê rất đắt.
Kết thúc buổi hội thảo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định, hội thảo là nguồn thông tin khoa học quý báu, là tài liệu để các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khi cho ý kiến đối với dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 này.