Khác với sinh viên tốt nghiệp khoa tài chính - ngân hàng ở các trường đại học đang lao đi tìm việc. Khác với việc một số ngân hàng đã sa thải nhân viên nhằm cắt giảm chi phí quản lý, nhân sự.

Cũng khác với lương, thu nhập, thưởng của hầu hết người lao động tại các tổ chức tín dụng tụt giảm so với những năm trước, cuộc săn lùng nhân sự cho vị trí tổng giám đốc các ngân hàng thương mại vẫn đang diễn ra. Dường như kinh tế càng khó khăn, việc tìm được người tài và có tâm cho vai trò điều hành ngân hàng càng trở nên quan trọng.

Khoảng 500 triệu đồng/tháng và cộng cộng

Hai năm trước, nguyên tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần E nhận được lời mời của ngân hàng thương mại cổ phần L về đảm đương chức danh người điều hành (CEO). Mức thu nhập chính thức được ngân hàng L đưa ra là 500 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản cộng cộng ++ đi kèm. Người được mời kể ông suy nghĩ lung lắm. Đấy không phải mức thu nhập thấp. Hơn nữa xét về các chỉ tiêu hàng năm, cũng như mục tiêu cần đặt ra cho cả quá trình năm năm, ông nhận thấy có khả năng đạt được. Nhưng rồi cuối cùng ông từ chối vì không thể xa rời gia đình khi công việc đòi hỏi phải luôn đi xa.

Ngân hàng L đã có thời thường được giới tài chính lấy ra làm ví dụ khi đề cập đến thu nhập của CEO. Sinh sau đẻ muộn so với các đồng nghiệp, ngân hàng L tỏ ra “chịu chơi” khi trả cho tổng giám đốc đầu tiên thu nhập 25.000 đô la Mỹ/tháng (tầm 400 triệu đồng/tháng lúc bấy giờ), không có các phụ cấp đi kèm, trong khi mặt bằng chung cùng thời gian chỉ khoảng 10.000-15.000 đô la Mỹ/tháng.

Cho đến trước năm 2011, các ngân hàng vẫn trong thời kỳ thịnh vượng mặc dù kinh tế vĩ mô lúc đó đã gặp không ít trở ngại. Do lợi nhuận trước thuế tăng trưởng, thu nhập của các CEO ngân hàng gia tăng chóng mặt. Trên thực tế, tiền lương họ nhận được có giới hạn, nhưng thưởng được mở rộng và các khoản ưu đãi cổ phiếu tăng theo cấp số nhân. Trước đây khi cổ phiếu ngân hàng có giá, các CEO được phân phối theo giá ưu đãi vài chục ngàn cổ phiếu/năm. Khi thị giá cổ phiếu ngân hàng lao dốc, để bù lại, các tổ chức tín dụng nâng khối lượng ưu đãi cho CEO lên hàng trăm ngàn.

{keywords}

Tình hình nhanh chóng thay đổi từ năm 2012 khi ngân hàng bị cuốn vào vòng xoáy nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro nhảy lên và lợi nhuận tụt giảm trông thấy. Nhưng điều đó không có nghĩa là thu nhập của các CEO ngân hàng cổ phần giảm đi. Tiến trình tái cơ cấu ngân hàng đã tạo ra những gương mặt mới với tổng tài sản và vốn điều lệ phình ra. Quy mô lớn và những khó khăn chung giờ đây đòi hỏi các CEO những phẩm chất cao hơn, tầm nhìn giỏi hơn và đặc biệt là nhạy cảm trong các quyết sách điều hành. Các ông chủ mới ở một số ngân hàng sau các cuộc chuyển nhượng cổ phiếu dẫn đến thay đổi sở hữu, đã không tiếc tiền để mời cho được những CEO tầm cỡ.

Ngân hàng V sau những lần thương lượng đã có trong tay người tổng giám đốc được đánh giá là sáng giá trong tốp đầu các CEO hiện nay. Ông là người đã từng đóng góp công sức đưa một ngân hàng cổ phần trước đó lên đỉnh cao hiệu quả kinh doanh trong nhiều năm. Trong một số lần trả lời phỏng vấn, ông để lại ấn tượng về một CEO có nhận định sắc sảo về những sự kiện riêng biệt trong phạm vi ngân hàng cũng như dấu ấn vĩ mô chung. Ngân hàng V không tiết lộ thu nhập mà họ chấp nhận trả cho vị CEO này, nhưng giới tài chính phỏng đoán chắc phải gấp đôi thu nhập mặt bằng chung.

Để bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi đã khảo sát thu nhập của bộ máy điều hành ở một số ngân hàng cổ phần. Thu nhập của CEO thông thường dao động từ 300-500 triệu đồng/tháng. Dàn phó tổng giám đốc nhận thu nhập 150-250 triệu đồng/tháng. Giám đốc các chi nhánh ở mức 50-120 triệu đồng/tháng. Mức thưởng và chế tài cho ban lãnh đạo tương đối khác nhau. Nếu lợi nhuận không đạt kế hoạch, CEO có thể mất 30% thu nhập. Về thưởng, nếu chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, giả sử, 100 tỉ đồng, mà ngân hàng đạt 150 tỉ đồng, thì ban điều hành từ trên xuống dưới được thưởng 15-25% của mức vượt. Hầu hết các ngân hàng ấn định thưởng bình quân 20% mức vượt.

Trong số các ưu đãi do ngân hàng trả như bảo hiểm, một lần du lịch trong và ngoài nước hàng năm, khám bệnh định kỳ... mua cổ phiếu ưu đãi bằng mệnh giá được áp dụng phổ biến. CEO được mua tầm 150.000-200.000 cổ phiếu/người/năm. Các phó tổng giám đốc được mua khoảng 100.000 cổ phiếu/người/năm. Ưu đãi này chỉ hữu dụng ở những ngân hàng mà thị giá cổ phiếu cao hơn mệnh giá. Hiện tại thị giá cổ phiếu ngân hàng, nhất là những ngân hàng chưa niêm yết, thường thấp hơn hoặc chỉ nhỉnh hơn mệnh giá 1.000-2.000 đồng, nên ưu đãi cổ phiếu không được chú trọng.

Trong các dịp Tết, các CEO được lãnh lương tháng thứ 13. Ở những ngân hàng lợi nhuận cao, tổng giám đốc và ban điều hành có thể được nhận lương tháng thứ 14, thậm chí 15. Nhìn vào lợi nhuận chín tháng đầu năm được các ngân hàng công bố gần đây, CEO một ngân hàng nhận xét năm nay được nhận lương tháng thứ 13 là tốt rồi. Ông không hy vọng có lương tháng thứ 14.

Mặt trái của tấm huy chương

Tiến trình tái cơ cấu ngân hàng đã tạo ra những gương mặt mới với tổng tài sản và vốn điều lệ phình ra. Các ông chủ mới ở một số ngân hàng sau các cuộc chuyển nhượng cổ phiếu dẫn đến thay đổi sở hữu, đã không tiếc tiền để mời cho được những CEO tầm cỡ.

Tại những ngân hàng cổ phần có sự sở hữu chi phối của cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp nhà nước, thu nhập của CEO và ban điều hành khá hạn chế. Thu nhập của CEO cộng tất cả các khoản khoảng 100 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân, còn lại 70-80 triệu đồng/tháng. Các phó tổng giám đốc khoảng 40-60 triệu đồng/tháng và giám đốc các chi nhánh thấp hơn nữa.

Ở các ngân hàng đã cổ phần hóa, song cổ đông nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần áp đảo, lương cộng thưởng cho CEO, ban điều hành vẫn phải thông qua ba bộ duyệt. Đơn cử như ở Vietcombank, ba vị thành viên hội đồng quản trị đại diện cho phần vốn nhà nước, phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thu nhập của ban điều hành dựa trên các chỉ tiêu đặt ra hàng năm, trước khi họ tham gia biểu quyết trong hội đồng quản trị. Đến lượt mình, NHNN lại trình lên lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi có ý kiến ba bộ, ba vị đại diện trình lại Hội đồng quản trị Vietcombank và hội đồng quản trị quyết định trước khi đưa ra biểu quyết ở kỳ họp đại hội đồng cổ đông.

Một thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng quốc doanh và “nửa quốc doanh” dạng Vietcombank thường cao hơn thu nhập bình quân nhân viên ngân hàng cổ phần. Nhưng thu nhập của CEO và các phó tổng giám đốc chỉ bằng một phần ba hoặc một phần tư của CEO và các phó tổng ngân hàng cổ phần. Thời hoàng kim, ngân hàng ăn nên làm ra, có khi thấp hơn cả 8-10 lần.

Cùng với thu nhập cao, áp lực đạt lợi nhuận lên các CEO ngân hàng luôn thường trực. Họ làm việc 6 ngày/tuần và thường kết thúc công việc hàng ngày lúc 19-20 giờ. CEO một ngân hàng đang tái cơ cấu nói đã nhiều tháng nay ông rời văn phòng lúc 20 giờ 30, có ngày 21 giờ.

Áp lực căng thẳng hơn là trong không ít trường hợp, CEO phải thuyết phục, đấu tranh với một số thành viên hội đồng quản trị để loại bỏ những khoản tín dụng cho công ty sân sau, hoặc những khoản vay rủi ro. Một số CEO không vượt qua được áp lực trên, đã phải xin nghỉ việc. Số khác chấp nhận không có thưởng để làm đúng quy trình quản trị rủi ro. Có CEO nói thẳng giữa “mất lòng” và “mất mạng”, ông chọn “mất lòng”.

Công việc của những người làm thuê số 1 trong các ngân hàng, rõ ràng, chẳng nhẹ nhàng gì.

Theo TBKTSG