Đó là điểm đáng chú ý trong Bộ luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1/1/2021). Bộ luật này có bổ sung nhiều quy định mới, trong đó cho phép người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận thời gian nghỉ phép từng năm hoặc gộp 3 năm nghỉ phép 1 lần.

Bên cạnh đó, Điều 115 của Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được được phép nghỉ 12 ngày làm việc đối với công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày đối với lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm công việc nặng nhọc, độc hại; và 16 ngày đối các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại. Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hàng năm tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

{keywords}
 

Ngoài ra, khi nghỉ phép mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được phép tạm ứng trước.

Trong trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì người sử dụng lao động phải thanh toán tiền lương cho người lao động những ngày chưa nghỉ.

Đặc biệt, người lao động sẽ được nghỉ phép hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc. Cụ thể, cứ đủ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ của người lao động sẽ được tăng thêm tương ứng 1 ngày. Như vậy, những lao động càng gắn bó với một doanh nghiệp, cơ quan thì số ngày nghỉ càng tăng lên.

Một điểm đáng chú ý của Bộ Luật lao động 2019 là bổ sung thời gian nghỉ cho việc hiếu hỷ được tính cho cả trường hợp con nuôi, cha mẹ nuôi. Theo đó, trường hợp người lao động kết hôn sẽ được nghỉ 3 ngày; con đẻ, con nuôi kết hôn được nghỉ 1 ngày; cha, mẹ đẻ - cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng hoặc con đẻ, con nuôi của vợ (hoặc chồng) chết được nghỉ 3 ngày. Nếu có nhu cầu nghỉ thêm, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ nhưng không được hưởng lương.

Anh Tuấn