Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2021 cả nước có hơn 54.000 người đóng BHXH tự nguyện đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu. Như vậy, bình quân mỗi năm có thêm 9.000 người hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện.
Người tham gia BHXH tự nguyện đa số có hạn chế nhất định về trình độ, kỹ năng nghề, đặc biệt là thu nhập không ổn định, trong khi lại phải đối diện rủi ro trong lúc mưu sinh, ví như trong quá trình lao động bị tai nạn lao động, ốm, sinh con…, lại không có lương, không được cơ quan BHXH chi trả.
Theo cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi, khảo sát thực tiễn, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp.
Thực tiễn thời gian qua, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Từ thực tiễn trên, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con, mức trợ cấp này bằng mức mà ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
Theo cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.
Một chuyên gia lao động cho rằng, giải pháp căn cơ nhất để nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH của lao động phi chính thức là cần tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề giúp người lao động tham gia thị trường lao động, chuyển lao động phi chính thức thành lao động chính thức, nghiên cứu bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Công dân từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.