“Vành đai, Con đường”, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc nhằm tăng cường sự kết nối và thương mại Á-Âu, đã không giúp cho ‘quyền lực mềm’ và sức ảnh hưởng chiến lược trong khu vực Trung Đông của chính quyền Bắc Kinh phát huy được hiệu quả.

Trước đây, kế hoạch này được lập ra nhằm tạo nên một hệ thống quan hệ chính trị và kinh tế có trọng tâm là Trung Quốc, nhằm mục đích cạnh tranh với mạng lưới các nước đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, để Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu đấy vẫn còn là một chuyện xa vời.

{keywords}
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AP

Trung Quốc đã từng kêu gọi các bên trong khu vực Trung Đông kiềm chế tránh đối đầu, song cho đến nay ‘quốc gia tỷ dân’ vẫn không thể (hoặc không sẵn lòng) thúc đẩy việc đầu tư, cho vay, các hạn mức tín dụng nhằm tăng tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Ảrập Xêút và Iran là đối thủ của nhau trong Trung Đông, và đây là vấn đề ảnh hưởng tới Trung Quốc. Iran là đối tác chiến lược của Bắc Kinh, và là nước hưởng nhiều lợi ích từ dự án “Vành đai, Con đường”. Trong khi Ảrập Xêút lại là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc, bởi vậy Bắc Kinh luôn phải giữ đường lối ngoại giao tốt đẹp với cả hai nước.

Các cuộc điều tra vụ tấn công cơ sở dầu Ảrập Xêút đang diễn ra, có rất ít bằng chứng Iran dính líu tới vụ việc này dù trực tiếp hay gián tiếp. Iran trước đó từng bắt 2 tàu chở dầu của nước ngoài, khi những tàu này đi qua vịnh Ba Tư. Và điều này khiến Mỹ buộc phải phát động chiến dịch hộ tống tàu thương mại khi đi qua vùng biển trên.

{keywords}
Vụ tấn công cơ sở dầu khí tại Ảrập Xêút. Ảnh: Reuters

Việc kiềm chế Iran nên là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh, bởi nước này rất quan tâm tới sự ổn định ở Trung Đông, đồng thời đó cũng là trọng tâm của dự án “Vành đai, Con đường”. Hơn nữa, phần lớn lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu là từ Trung Đông, nên kinh tế nước này sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu những chuyến tàu dầu qua eo Hormuz bị gián đoạn.

Cuộc khủng hoảng tại Trung Đông đã bùng phát từ năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký hồi 2015. Ngoài ra, ông Trump đã gia tăng áp lực lên chính quyền Tehran, bao gồm các biện pháp trừng phạt về kinh tế, cũng như điều quân tới Ảrập Xêút, khiến căng thẳng trong khu vực trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, Tehran không phải là tác nhân duy nhất gây bất ổn trong khu vực. Những chiến dịch không kích của chính quyền Riyadh nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn càng khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Và trong trường hợp này, Trung Quốc cũng không đủ khả năng để thuyết phục Iran và Ảrập Xêút tìm ra sự thỏa hiệp nhằm giải quyết xung đột ở Yemen.

{keywords}
Sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Trung Đông hiện vẫn còn khá yếu ớt. Ảnh: Europeanfinancialreview

Những vấn đề trên đã chứng minh sức ảnh hưởng đối ngoại của Trung Quốc tại Trung Đông vẫn khá yếu ớt. Ví dụ, sức ảnh hưởng từ ngoại giao của Trung Quốc nắm vai trò khá quan trọng, nhưng không mang tính quyết định trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng chỉ đứng bên lề trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Syria, một chiến trường tranh giành ảnh hưởng khác giữa Iran và Ảrập Xêút.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/9 thông báo Bắc Kinh đã sẵn sàng cho những “đóng góp tích cực” trọng những cuộc đàm phán hòa bình Astana, vốn được Moscow, Tehran và Ankara hậu thuẫn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Tuy nhiên trên thực tế, Bắc Kinh lại chỉ đóng vai trò tại đây như một nước quan sát.

Chưa hết, dự án “Vành đai, Con đường” chưa đạt được những mục tiêu địa chính trị. Chẳng hạn, ngân sách cho những dự án “Vành đai, Con đường” trong năm nay đã giảm xuống còn 38,8 tỷ USD so với mức đầu tư năm 2018 lên tới 125,5 tỷ USD, theo dữ liệu của Tổ chức Theo dõi Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc.

Bởi vậy, theo nhận định của nhà phân tích các vấn đề quốc tế Emanuele Scimia được tờ SCMP trích dẫn, Trung Quốc cần tới sự giúp đỡ trong các vấn đề ngoại giao, chẳng hạn như từ châu Âu, để tiếng nói của ‘quốc gia tỷ dân’ có trọng lượng hơn trong các vấn đề tại Trung Đông.

Tuấn Trần