Mới đây, ông L. (71 tuổi), một đại gia ở TP.HCM liên tiếp nhận cuộc gọi có hình ảnh với những người tự xưng cán bộ , thiếu tướng Bộ Công an. Khi làm theo hướng dẫn của những đối tượng giả danh này, ông L. mất gần 15 tỷ đồng.

Bộ Công an liên tục khuyến cáo người dân về các thủ đoạn lừa đảo giả danh nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy. Ảnh: T.L

Còn ở Hà Nội, cũng đã có giáo sư 83 tuổi mất 750 triệu sau chuỗi ngày bị "khống chế" tâm lý qua điện thoại. Vậy điều gì khiến các giáo sư, đại gia, những người từng trải... vẫn sập "bẫy" lừa đảo qua những cuộc điện thoại?, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học đã có một số lý giải về vấn đề này.

Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định: “Giáo sư, đại gia chỉ hiểu biết chuyên ngành mà họ quan tâm, không hiểu biết hết mọi vấn đề của cuộc sống. 

Đặc biệt, các nhà khoa học, những người làm công việc nghiên cứu chuyên sâu trên lĩnh vực nào đó, gần như dành mọi thời gian cho công việc. Chính vì thế, không khó hiểu khi họ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo công nghệ cao".

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, có rất nhiều người thờ ơ với nguy cơ an ninh, an toàn của mình cho đến khi trở thành nạn nhân của tội phạm.

Để bảo vệ được mình, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, người dân cần thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, an ninh trật tự, nắm được các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, lúc đó mới có thể nhận diện và biết cách phòng tránh.

Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo. Chính vì vậy, chỉ những người hiểu chuyện gì đang diễn ra trong xã hội và đọc các khuyến cáo, cảnh báo từ các cơ quan chức năng mới có thể tự bảo vệ được túi tiền của mình.  

"Trên thực tế, có rất nhiều người thờ ơ với nguy cơ an ninh, an toàn của mình cho đến khi trở thành nạn nhân của tội phạm”, chuyên gia về tội phạm học nhận định. 

Nói về khó khăn của việc triệt phá tội phạm công nghệ cao, Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích: Thứ nhất, nạn nhân và đối tượng không gặp nhau, chỉ thông tin qua môi trường mạng. Thứ hai, những tài khoản mà đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến đều là tài khoản ảo, không chính danh, chính chủ, mua bán trên mạng.

Những người vì cần tiền nên đã mang chứng minh thư, căn cước công dân, mua sim điện thoại, sau đó đến các ngân hàng để đăng ký mở rất nhiều tài khoản.

Khi mở xong, họ bán tài khoản cho người mua. Tội phạm mạng đã sử dụng các tài khoản được mua về để chuyển, nhận các khoản tiền phi pháp.