Nằm cách bờ hơn 15 hải lý (khoảng 27km), từ lâu Lý Sơn được biết đến với biệt danh “Vương quốc tỏi” và chục năm gần đây là "Thiên đường du lịch". Lý Sơn cũng là quê hương của các đội Hùng binh Hoàng Sa và đội tàu cá của ngư dân Lý Sơn cũng là những đội ngư phủ có tiếng về đánh bắt hải sản tại miền Trung.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây bên cạnh hoạt động đánh bắt và khai thác hải sản, ngư dân Lý Sơn cũng đẩy mạnh nghề nuôi biển và muốn biến nơi đây trở thành “thiên đường” của hoạt động nuôi biển xa bờ của tỉnh Quảng Ngãi. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, tính đến hết tháng 10/2023 toàn huyện đảo Lý Sơn có khoảng hơn 54 hộ tham gia nghề nuôi trồng thủy sản (nuôi biển).
Trước đây, hầu hết các hộ nuôi theo mô hình truyền thống với các loài cá giò (cá bớp), tôm muni… trong các lồng bè làm bằng gỗ, phi nhựa. Mỗi khi có giông bão là người dân lại phải kéo chuyển lồng nuôi vào gần bờ để tránh sóng to, gió lớn. Và để hạn chế thiệt hại do gió, bão gây ra, đồng thời giúp cho nghề nuôi biển của huyện Lý Sơn phát triển bền vững, 3 năm qua địa phương đã hỗ trợ ngư dân chuyển sang nuôi bằng lồng nhựa HDPE.
Riêng dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá giò thương phẩm tại vùng biển miền Trung” tại huyện Lý Sơn trong 3 năm, từ năm 2022 – 2024 cũng được đẩy mạnh triển khai và đang thu hút được nhiều hộ dân đăng ký tham gia. Với ưu điểm lồng nhựa HDPE thân thiện với môi trường, bền, mềm dẻo, không bị oxi hóa, có khả năng chống sinh vật bám, chống chịu với sóng to, gió lớn với tuổi thọ có thể đạt trên 30 năm.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm nuôi trước đó người dân Lý Sơn biết tận dụng túi lưới được thiết kế, tính toán phù hợp với điều kiện vùng nuôi (lưu tốc dòng chảy, độ sâu…), phù hợp với đối tượng nuôi nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút được nhiều người dân tham gia. Đáng chú ý, tận dụng cơ hội đón khách du lịch trải nghiệm, các lồng nuôi cá cũng kết hợp làm du lịch và đang trở thành sản phẩm du lịch mới của địa phương.
Đánh giá về hướng đi mới của các ngư dân, ông Võ Trí Thời, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện đảo Lý Sơn cho biết, tính đến hiện tại toàn huyện đảo Lý Sơn có khoảng 1.612 lồng bè nuôi cá, tôm của hơn 54 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển. Hầu hết hệ thống lồng nuôi đang được chuyển dịch sang lồng bè mới, áp dụng công nghệ thân thiện môi trường (nuôi công nghiệp, thức ăn viên sẵn…); chủng loại nuôi cũng đa dạng hơn từ cá bớp, cá bè vẫu, cá chim cho tới tôm hùm…
Nằm trong chủ trương chuyển đổi nghề khai thác sang nuôi trồng, bảo vệ tài nguyên biển đảo, kết hợp nuôi biển gắn với du lịch theo đó thời gian qua lãnh đạo huyện Lý Sơn đã có những chính sách hỗ trợ về con giống, thức ăn để khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Với hướng đi đúng đắn này, chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2023 số hộ đăng ký nuôi trồng hải sản trên biển của huyện đã tăng lên đáng kể và đang được thẩm định để phân vùng nuôi phù hợp cho các hộ dân, qua đó chuyển dần được một phần các ngư dân khai thác thủy sản ven bờ chuyển sang nghề nuôi trồng, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản.