Chuyên gia Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, chiếc áo ông đang mặc gắn mác “Made in Vietnam”, tuy nhiên, giá trị hàng Việt chỉ chưa tới 3%. Hơn 97% còn lại là của các nước khác, trong đó phần lớn là Trung Quốc.
Tại “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2016”, ông Võ Trí Thành ví von, may ra chỉ có hàng nông sản Việt phục vụ trong nước thì tỉ lệ người Việt dùng hàng Việt là 100%.
Với dẫn chứng hài hước, ông Thành chỉ ra thực tế đáng buồn về vấn đề xúc tiến xuất khẩu Việt Nam hiện tại.
Chiếc áo gắn mác "made in Vietnam" nhưng chỉ có 3% là giá trị thực của Việt Nam. Ảnh minh họa. |
“Người Việt Nam (VN) đang lầm tưởng rằng, họ dùng hàng Việt. Thế nhưng, không phải. Như cái áo tôi đang mặc, nhãn mác ghi rõ “Made in Vietnam”, thế nhưng, giá trị Việt của chúng chỉ chưa tới 3%. 97% còn lại là của các nước trên thế giới”, ông Thành lấy dẫn chứng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, người VN dùng hàng VN tăng mạnh, nhưng nội dung của Trung Quốc lại rất nhiều.
Tự cho mình là kẻ ngoại đạo, hiểu biết ít khi nói về xúc tiến thương mại (hợp hơn khi nói về xúc tiến ODA), song theo ông Thành, như vậy, lời nói của ông sẽ khách quan hơn.
Chuyên gia này cho rằng, chúng ta cần phải hiểu XTTM (xúc tiến thương mại) một cách đơn giản nhất. Việc hiểu XTTM khi chỉ nói về xuất khẩu là rất hẹp. Ngoài xuất khẩu, cơ bản XTTM còn là nhập khẩu và thương mại dịch vụ.
Những con số dự tính về mức tăng trưởng xuất khẩu VN, FDI đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu... là thông tin quá quen thuộc, ai cũng biết. Trong khi có những điều cần quan tâm lại ít người biết.
Đơn cử như xuất khẩu dịch vụ của các nước ASEAN thấp so với trung bình thế giới, nhưng VN lại đứng áp chót trong danh sách này.
Hay như khả năng cạnh tranh hàng hóa của VN là rất kém. Tỷ trọng hàng hóa VN có khả năng cạnh tranh, xét theo nhiều năm, thì 65% hàng VN có chỉ số lớn hơn 1 (nghĩa là có khả năng cạnh tranh), nhưng chỉ số này đang ngày càng giảm mạnh. Trước kia, con số này có thể là 8-9, giờ chỉ còn 3.
Theo ông Thành, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề tiếp cận thị trường. Mà trong đó, phí tổn tuân thủ hàng rào kỹ thuật, hàng rào an toàn vệ sinh, cạnh tranh là vấn đề khó khăn nhất cho cả doanh nghiệp hưởng lợi lẫn doanh nghiệp phải chịu tổn thất trong cuộc chơi hội nhập.
Vì lẽ đó, ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước, ông Thành cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tự vươn lên trong hội nhập, đặc biệt trong cách học hỏi ngay chính đối tác, đối thủ cạnh tranh của mình cũng như áp dụng công nghệ khoa học hiện đại vào sản xuất.
Theo Trí thức trẻ