3 thông điệp lớn từ 'Mạch nguồn Ví, Giặm'
TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội chia sẻ, hành trình để có đêm nhạc Mạch nguồn Ví, Giặm thực sự gian nan nhưng vẫn quyết tâm “không hời hợt, lấy cái đúng để bảo vệ, lấy thành quả để chứng minh”.
Ông và Hội đã “thai nghén” chương trình trong suốt 3 năm, âm thầm thực hiện 3 tháng nước rút và làm với nguyên tắc “không khoan nhượng, không lùi bước phát huy truyền thống quê hương”.
Với đêm nhạc này, TS Lê Doãn Hợp cho biết, Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức với mục tiêu nhấn mạnh 3 sự tôn vinh: Tôn vinh 5 nhạc sĩ tài hoa của Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung gồm: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Tài Tuệ và Hồng Đăng vì “họ tài hoa tới mức không xếp được ai trước ai sau, không chỉ có tài năng nghệ thuật mà tính cách đời thường cũng thông minh, nhạy cảm”; Tôn vinh Ví, Giặm - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hồn cốt của Nghệ An, Nghệ Tĩnh; Tôn vinh quê hương Nghệ An - nơi có những con người làm văn hóa tuyệt vời.
“Chúng tôi làm 3 sự tôn vinh như vậy để các thế hệ sau thấy truyền thống ông cha và phải làm như thế nào để giữ gìn và phát huy điều đó; đồng thời động viên nhạc sĩ trẻ noi gương thế hệ đi trước. Đêm nhạc đã kết thúc nhưng mạch nguồn của nó vẫn thấm và sống mãi”, ông Hợp khẳng định.
TS Lê Doãn Hợp nói, việc ca sĩ Anh Thơ rút lui trước chương trình diễn ra 2 ngày là “điều khó khăn cho ban tổ chức, những nghệ sĩ khác phải tập cả đêm để kịp tiến độ”.
“Khi cô ấy xin rút, chúng tôi sốc nhưng vẫn bàn bạc, nhất trí vì tôn trọng nhân quyền, tìm ca sĩ thay thế để chương trình không bị đảo lộn. Anh Thơ xin lỗi, chuyển lại tiền bồi dưỡng, tiền phạt nhưng Hội đồng hương không có chủ trương lấy tiền phạt. Tôi đề nghị mọi người giải quyết vấn đề bằng tầm hiểu biết của quê hương hiếu học, giàu truyền thống văn hóa xứ Nghệ. Điều khó nhất là xin tiền tài trợ để làm chương trình thì đã thành công rồi, bỏ qua những lùm xùm không đáng có khác”.
Trưởng BTC Nguyễn Công Khang, Chánh Văn phòng Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội chia sẻ, so với các chương trình khác hội đã làm, đêm nhạc Mạch nguồn Ví, Giặm có chất lượng chuyên môn cao.
“Ban tổ chức đã bàn đi tính lại, thấy cần phải có tên chương trình dân dã, gần gũi hơn nữa, anh Lê Doãn Hợp đã quyết định đổi thành Mạch nguồn Ví, Giặm, bởi ngoài việc tri ân 5 nhạc sĩ, chương trình muốn ghi nhận họ là những người đã có công quảng bá, lan tỏa Ví, Giặm”, ông Khang cho biết.
Âm nhạc kết nối yêu thương và lòng tri ân đến gần với nhau
Bà Lê Anh Thuý – vợ nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ: ''Đứng ở góc độ khán giả, Mạch nguồn Ví, Giặm rất thành công vì toát lên được tinh thần, phẩm chất của người xứ Nghệ.
Ngồi dưới khán phòng, tôi cảm nhận được sự đồng cảm của người xem, tình cảm của ca sĩ với tác giả, hát bằng cả trái tim. Điều quan trọng nhất là tình cảm yêu quý các nhạc sĩ của ban tổ chức đã truyền cảm hứng trọn vẹn cho người xem. Từ mạch nguồn Ví, Giặm đó ra được thanh âm, phong cách riêng của từng nhạc sĩ nhưng tựu chung lại những tác phẩm ấy đã ghi dấu ấn với quê hương, đất nước. Đây thực sự là điều đáng quý”.
Ca sĩ Phạm Phương Thảo vui mừng khi được mời tham gia chương trình. Đây là dịp để những ca sĩ như cô tri ân các nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam. “Di sản âm nhạc mà 5 nhạc sĩ của chúng ta để lại không chỉ là niềm tự hào của quê hương xứ Nghệ mà đã trở thành di sản quý giá của nền âm nhạc Việt Nam”, ca sĩ Phương Thảo nhấn mạnh.
Trước đêm diễn 2 ngày, Bùi Lê Mận mất ngủ vì hồi hộp và lo lắng. Dù đã tham gia nhiều chương trình, đây là đêm diễn rất đặc biệt với cô bởi 5 nhạc sĩ được tôn vinh trong chương trình đều là người xứ Nghệ, trong đó nhạc sĩ An Thuyên là thầy của cô. Khán giả của chương trình cũng đều là người xứ Nghệ - những người cùng quê hương và chung miền văn hóa nên cô vừa hạnh phúc, vừa lo lắng.
"May mắn là đêm diễn đã thành công. Âm nhạc đã kết nối yêu thương và lòng tri ân đến gần với nhau", Bùi Lê Mận chia sẻ.