Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam 2023 vừa được Bộ TT&TT tổ chức sáng 11/12 tại Quảng Ninh trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần thứ 5.

Diễn đàn là thời điểm nhìn lại, tổng kết, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thông qua Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.

Đây là những sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

“Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” là giải thưởng chính thức trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông (ICT), được Bộ TT&TT chủ trì xét và trao tặng hằng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam nhằm giải các bài toán Việt Nam và thời đại.

Trong năm thứ tư tổ chức, lần đầu tiên giải thưởng tôn vinh các sản phẩm công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.

Giải thưởng năm 2023 bao gồm 5 hạng mục: Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Chính phủ số, Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Kinh tế số, Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Xã hội số, Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài, Sản phẩm công nghệ số tiềm năng.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Make in Viet Nam, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, việc mở hạng mục mới Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt.

W-z4963149641135-cd6b7e949fda880b51a8eeb4dd182db9-1.jpg
Nền tảng hậu cần GHTK APP của Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm giành giải Vàng hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Kinh tế số. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Sau thời gian phát động và nhận hồ sơ từ ngày 12/7/2023 đến hết ngày 12/10/2023, hệ thống website ghi nhận được 277 hồ sơ, nhiều hơn năm 2022. Ban tổ chức áp dụng hoàn toàn công nghệ số trong việc nộp hồ sơ, sơ tuyển, chấm giải.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, các sản phẩm tham gia năm nay khá đa dạng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực: Chính phủ số, giáo dục, y tế, tài chính, giao thông. Một số sản phẩm, giải pháp tham gia giải đã thành công ở thị trường quốc tế trong thời gian qua.

Tại lễ trao giải, căn cứ vào phạm vi cũng như mức độ ảnh hưởng đến phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, 43 sản phẩm top 10, 4 giải vàng, 5 giải bạc, 6 giải đồng của 5 hạng mục đã được công bố, riêng hạng mục Chính phủ số ko có giải vàng.

Cụ thể, ở hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Chính phủ số, giải Bạc thuộc về Hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động eWIM của Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Elcom, hai giải Đồng thuộc về Phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức VNPT CCVC của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Phần mềm quản lý tài sản MISA QLTS của Công ty cổ phần Misa.

Ở hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Kinh tế số, Nền tảng hậu cần GHTK APP của Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm giành giải Vàng, giải Bạc thuộc về Nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud của Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC và giải Đồng thuộc về Phần mềm Victory Terminal Operation System của Công ty TNHH Dịch vụ tin học CEH.

Ở hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Xã hội số, giải Vàng được trao cho Nền tảng truyền hình số quốc gia VTV Go của Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam, Dịch vụ Chứng thực kỹ thuật số theo mô hình ký số từ xa VNPT SmartCA của VNPT nhận giải Bạc và Nền tảng công nghệ nhân sự JobOKO – Công ty cổ phần JobOKO toàn cầu nhận giải Đồng.

Ở hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài, giải Vàng thuộc về Trung tâm phát triển toàn cầu GDC của Công ty cô phần NTQ Solutions, giải Bạc trao cho Dịch vụ xuất khẩu phần mềm và giải pháp của Công ty cổ phần VTI và giải Đồng thuộc về Nền tảng tài chính số Viettel – Viettel Digital Finance Platform (VDFP) – Tổng Công ty dịch vụ Số Viettel chi nhánh tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội.

Cuối cùng, ở hạng mục Sản phẩm công nghệ số tiềm năng, giải Vàng được trao cho Hệ thống robot Delta trong sản xuất bánh kẹo của Công ty cổ phần giải pháp công nghệ cao VAS, Hệ thống LLQ QA Platform của Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ phần mềm Lạc Long Quân nhận giải Bạc, iTitan – Nền tảng khai phá, tổng hợp phân tích và dự báo của Công ty cổ phần tin học giải pháp tích hợp mở nhận giải Đồng.

Bộ TT&TT và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia, khung pháp lý, kết nối các nhà đầu tư để sản phẩm công nghệ số có thị trường lớn hơn, đi xa hơn.

Các sản phẩm Make in Việt Nam đạt giải là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, chắp cánh cho khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia số hùng cường, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.