Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. 

Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương. Theo tính toán bình quân mỗi năm có trên 10.000 tỷ đồng BHXH bị nợ đọng.

Đáng lo ngại là vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra thời gian dài dẫn đến khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ luỵ, không những ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH.

Các doanh nghiệp trốn đóng BHXH về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ BHXH để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không được pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo ông Hiểu, mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất nên dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ BHXH gia tăng và diễn biến phức tạp.

Xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.

Cụ thể, quy định người sử dụng lao động nợ BHXH phải nộp số tiền bằng 0,03% mỗi ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên.

Đồng thời, quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự. 

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Chuyên gia lao động Phạm Minh Huân cho biết, ngoài việc đưa vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi các quy định xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH thì cần thiết phải đề cao việc chủ động phát hiện sớm dấu hiệu sai phạm về trốn đóng BBXH để có giải pháp xử lý.

Tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH (theo Điều 216 Bộ luật Hình sự), kịp thời thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố.

"Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước phải nắm được tình hình để không còn tình trạng lợi dụng nợ BHXH, khi doanh nghiệp trốn đóng rồi mới tìm cách xử lý", ông Huân nói.