Tại Facebook, Mark Zuckerberg giống như một vị hoàng đế. Anh ta là CEO, chủ tịch Hội đồng quản trị và là người nắm giữ cổ phần kiểm soát mạng xã hội này. Tuy nhiên, nhiều khả năng quyền lực tuyệt đối của Zuckerberg tại Facebook sẽ bị xói mòn vì những scandal liên tiếp.
Trong vụ bê bối Cambridge Analytica, công ty này đã khai thác trái phép thông tin cá nhân của hơn 87 triệu người dùng Facebook, ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Thời gian qua, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đã điều tra scandal này.
FTC và Facebook đang hướng tới thỏa thuận sẽ có một vị trí giám sát việc thực hiện quyền riêng tư của mạng xã hội này. Ảnh: Reuters. |
Cuộc điều tra của FTC đang dần đi đến hồi kết. Tuần trước, Facebook tiết lộ đã chuẩn bị 3 tỷ USD để dàn xếp vụ việc. Trang Politico và báo New York Times đưa tin để giải quyết bê bối bên ngoài tòa án, Facebook sẽ phải chấp nhận một số điều kiện mà FTC đưa ra.
Thứ nhất, Facebook sẽ phải bổ nhiệm một chuyên viên giám sát quyền riêng tự, được FTC thông qua. Chuyên viên này sẽ giám sát các hoạt động của Facebook và xác định xem mạng xã hội này có tuân thủ các yêu cầu của FTC hay không.
Một ủy ban giám sát độc lập cũng sẽ được thành lập để "cầm cương" Facebook. Các thành viên ủy ban này có thể bao gồm thành viên hội đồng quản trị Facebook và các chuyên gia. Ủy ban sẽ nhóm họp hàng quý.
Zuckerberg hoặc một quan chức Facebook sẽ đảm nhận vai trò "chuyên viên tuân thủ", có nghĩa là người này phải chịu trách nhiệm với những hành vi xâm phạm dữ liệu riêng tư của Facebook trong tương lai.
Mark Zuckerberg đang đối mặt với sự phản đối từ bên trong nội bộ Facebook. Ảnh: Reuters. |
Business Insider nhận định với việc Facebook phải chấp nhận các điều kiện này, quyền lực của Zuckerberg sẽ bị xói mòn nghiêm trọng và tỷ phú 35 tuổi sẽ không thể "một tay che cả bầu trời". Sẽ có các chuyên viên độc lập giám sát mọi hành động của Zuckerberg và buộc anh ta phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót.
Trước đây, Zuckerberg từng nhiều lần phản đối chuyện bị giám sát. Một nhóm cổ đông từng ép Facebook bổ nhiệm một chủ tịch độc lập, nhưng Zuckerberg quyết liệt chống lại ý tưởng này. Các cổ đông cho rằng việc Zuckerberg vừa là CEO, vừa là chủ tịch Hội đồng quản trị chính là nguyên nhân dẫn đến những bê bối của mạng xã hội này.
Dự kiến trong cuộc họp cổ đông ngày 30/5 tới, các nhà đầu tư sẽ lại tìm cách thay đổi cấu trúc quản trị của Facebook và đẩy Zuckerberg ra khỏi chiếc ghế chủ tịch Hội đồng quản trị.