5 ngày sau khi đắp thuốc nam, ngón tay bệnh nhân sưng đau, chảy dịch, phải vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) kiểm tra. 

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng của bệnh viện cho biết khi nhập viện, ngón tay giữa của người bệnh đã hoại tử, buộc phải phẫu thuật tháo bỏ.

Rắn hổ mang rất độc. Nạn nhân có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu, đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngoài việc không được bôi hay đắp thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, các bác sĩ lưu ý những việc tuyệt đối không làm khi bị rắn cắn:

- Không tự ý garo, sơ cứu bởi nếu không đúng cách có thể dẫn tới hoại tử.

- Không nên tự ý chích rạch vết cắn, không hút nọc bằng miệng hay cố tình bôi các loại hóa chất như xăng, dầu, nước tẩy.

- Không cố đợi có triệu chứng mới đến viện, làm chậm thời gian cấp cứu kịp thời.

Khi bị rắn cắn, cần thực hiện ngay các bước sau:

- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn.

- Trấn an người bị rắn cắn, giữ tâm lý bình tĩnh, hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.

- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép và làm sưng vết thương.

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý, hoặc bằng nước sạch.

- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

- Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, khẩn trương đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất (có thể cầm theo xác con rắn hay chụp lại hình ảnh rắn cắn, mô tả loại rắn cắn).