Con cái không thể “đặt đâu, bố, mẹ ngồi đấy”. Thậm chí không hiếm bậc sinh thành cho rằng con cái bất hiếu mới đưa bố, mẹ vào Viện dưỡng lão.

 “Hai tay hai gậy” vẫn thích ở nhà hơn

Gần đây cuộc tranh luận xung quanh chuyện có nên đưa bố, mẹ vào Viện dưỡng lão để báo hiếu đã thu hút nhiều quan điểm khác nhau

Bản thân người viết cho rằng, đây là một cách làm hợp lý; nhưng hiện nay mới chỉ thực hiện được thiểu số trường hợp. Đó là các bậc bố, mẹ đã quá già yếu, lẩm cẩm, hay quên (nói trước quên sau), đi lại phải dùng 2 tay 2 gậy, có lúc không tự tay cầm nổi bát cơm và không tự vệ sinh cá nhân được; con cháu bận đi làm, đi học; họ hàng, bà con đều ở xa; thuê người giúp việc thì nhà ở quá chật hẹp… nên “vạn bất đắc dĩ” bố, mẹ mới đồng ý vào Viện dưỡng lão.

Để báo hiếu, mỗi tháng các con biếu bố, mẹ ít nhất 10 triệu đồng, cộng với khoảng trên, dưới 6 triệu đồng lương hưu của bố, mẹ mới đủ tiền (trung bình 8 triệu đồng/1 người) nộp Viện dưỡng lão. Và bây giờ, chuyện vào Viện dưỡng lão tuỳ thuộc bố, mẹ quyết định; chứ chưa thuộc về con cái, cháu chắt. Vì đa số bố, mẹ già theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất, vẫn minh mẫn, đi lại bình thường và tự nấu cơm, tắm giặt được, đâu có chịu vào Viện dưỡng lão, khỏi tốn tiền. Giai đoạn này bố, mẹ thường thích ở riêng, “Con chăm cha, không bằng bà chăm ông”. Khỏi cần nhờ con, cháu.

Giai đoạn thứ hai, bắt đầu kém minh mẫn, có lúc không nhớ chuyện hôm nay, mặc dù vẫn đi lại trong sân nhà không phải dùng gậy và tự tắm giặt được. Nhưng con cháu không thể để bố, mẹ ở riêng, mà phải phụng dưỡng, chăm sóc, còn nếu bận rộn, có thể nhờ họ hàng, hoặc thuê người đến giúp việc tại nhà. Rất ít bố, mẹ chủ động, chịu vào Viện dưỡng lão.

Liên hệ thực tế mẹ tôi năm nay, 90 tuổi (đang ở giai đoạn thứ hai). Tôi hỏi thử xem cụ có vào Viện dưỡng lão cho vui với các cụ già cùng Viện và được chăm sóc chu đáo, khoa học để kéo dài tuổi thọ hơn không? Cụ trả lời: “Không; dù ở nhà có chóng chết hơn. Mày có bất hiếu đâu mà lại hỏi mẹ muốn vào Viện dưỡng lão không”. Và cụ vẫn quan niệm Viện dưỡng lão chỉ dành cho những người già cô đơn, không nơi nương tựa (song họ phải có tiền, trung bình 8 triệu đồng/1 tháng để nộp cho  Viện).

Giai đoạn thứ ba, 2 tay 2 gậy (như đã nêu ở phần đầu): Nếu con cháu có điều kiện chăm sóc, hoặc thuê người giúp việc thì bố, mẹ vẫn thích ở nhà hơn vào Viện dưỡng lão.

{keywords}
Vào viện dưỡng lão hay không vẫn là quyết định từ cha mẹ. Ảnh minh họa

Con không thể “đặt đâu, bố, mẹ ngồi đấy”

Thật ra thông tin tốt đẹp về mô hình trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, vườn trẻ… cho trẻ em; An dưỡng đường, Viện dưỡng lão, hay Trung tâm dưỡng lão… cho người già, cao tuổi đã được nói đến ở các nước từ thế kỷ 20.

Song, đến nay Việt Nam mới thực hiện đại trà (kể cả công lập và tư thục) được các mô hình cho trẻ em. Vì “bố mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, trẻ em không thể từ chối đến trường mầm non và chẳng biết đòi hỏi bố, mẹ phải thuê “vú em” đến phục vụ tại nhà mình.

Còn mô hình An dưỡng đường, Viện dưỡng lão lại khác. Con cái không thể “đặt đâu, bố, mẹ ngồi đấy”. Nhiều người già, cao tuổi ở nước ta chưa thích mô hình này. Thậm chí có cụ như mẹ tôi (đã nêu ở phần trên) đánh giá con cái bất hiếu mới đưa bố, mẹ vào Viện dưỡng lão. Vì vậy, Viện dưỡng lão vẫn chưa phát triển đại trà ở Việt Nam. Mà chỉ lác đác có Viện dưỡng lão Hà Nội (ở quận Hà Đông), Viện dưỡng lão nghệ sỹ (ở quận 8 TP HCM, dành cho các nghệ sỹ gạo cội phương Nam) và 1 vài cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Cho nên, ngoài sự thay đổi tư duy, suy nghĩ tiến bộ (đưa bố, mẹ vào Viện dưỡng lão để phụng dưỡng, báo hiếu) của các con cháu ra; cần một thời gian khá dài (khoảng 30 năm nữa), các “cụ bố, cụ mẹ” cũng thay đổi tư duy, đồng tình, hưởng ứng. Đến thời gian đấy các cụ có thể chủ động, “tự nguyện” vào An Dưỡng đường, Viện dưỡng lão, trong giai đoạn, hoàn cảnh, tháng năm thích hợp.

Và chuyện phụng dưỡng, báo hiếu bố, mẹ Thế kỷ 21 cũng chi phối theo quy luật phát triển kinh tế, xã hội; có tính tất yếu khách quan. Phải chờ đến tương lai, mô hình An dưỡng đường, Viện dưỡng lão (để báo hiếu bố, mẹ) mới được “bùng nổ” và ưu việt ở nước ta.                                                                         

Nguyễn Thành Lập

>> Mời độc giả tham gia thảo luận chủ đề Phụng dưỡng cha mẹ thế kỷ 21 của Tuần Việt Nam: