Cứ đến độ giữa tháng 10 âm lịch, khi trăng tròn, khắp các bản làng của đồng bào Cống lại rộn ràng trong không khí đón Tết “Mền Loóng Phạt Ái” nghĩa là Tết hoa mào gà hay được bà con dân bản Cống gọi tắt là Tết hoa. 

Theo quan niệm của đồng bào Cống, 1 năm có 10 tháng, nên tháng 10 âm lịch được chọn là thời điểm tổ chức Tết hoa. Hoa mào gà một loài hoa biểu tượng cho sự may mắn, no đủ của người Cống. Hoa mào gà trong Tết hoa còn tượng trưng là cây cầu nối giữa hai thế giới âm dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng ở trong nhà.

{keywords}
Mền Loóng Phạt Ái: Nghi lễ linh thiêng của người Cống nhằm tri ân tổ tiên, thần linh núi rừng

Tết hoa có ý nghĩa cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người trong gia đình, bản làng khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Đây là một nghi lễ linh thiêng nhất của đồng bào trong năm, là dịp thể hiện đạo lý uống nước nguồn, con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng.

Theo những người cao tuổi, việc tổ chức Mền loóng phạt ái, với người Cống còn xuất phát từ quan niệm vào tháng 10 theo lịch người Cống, Trời cử 03 vị thần, thần thứ nhất có tên là Khí sơ khai của Trời, nơi ở của thần là Thánh cảnh. Vị thứ hai tên là Khí thiêng của Trời, cõi của thần là Chân cảnh, vị thứ ba là Khí thiêng Đạo Đức cõi Trời, nơi thần ở là Thanh cảnh. Ba vị được cử xuống trần gian có nhiệm vụ xem xét việc tốt xấu của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ người Cống mà ban phúc lành, hay gieo tai họa, vì vậy người Cống trên thì cúng Trời, Phật, các vị Thần, dưới là cúng ông bà, tổ tiên cầu cho mỗi người trong gia đình mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Mền loóng phạt ái còn xuất phát từ quan niệm là vào tháng 10 theo lịch của người Cống, trời cử 03 vị thần là: Khí sơ khai của trời ở cõi Thánh cảnh, Khí thiêng của Trời ở cõi Chân cảnh, Khí thiêng đạo đức cõi Trời ở cõi Thanh cảnh trần gian xem xét việc tốt xấu của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ người Cống để ban phúc lành hay gieo tai họa. Vì vậy, người Cống làm lễ cúng Trời, Phật, các vị Thần, cúng ông bà, tổ tiên cầu cho mỗi người trong gia đình, trong bản mường mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Mền loóng phạt ái của người Cống tại xã Pa Thơm (huyện Điện Biên), xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), tỉnh Điện Biên được tổ chức vào 15, 16 tháng Mười (Âm lịch), gồm có lễ cúng chung cho cả bản do thầy mo chủ trì ở nhà thầy mo và lễ cúng tổ tiên tại gia đình cùng với nghi lễ cầu phúc cho trẻ nhỏ do ông chủ nhà thực hiện. Trước Tết một ngày, các gia đình lên nương chọn hái những bông hoa mào gà đẹp nhất, biểu tượng cho sự may mắn, no đủ, về chuẩn bị lễ vật dâng cúng tổ tiên và trang trí cây hoa chung của bản.

Nghi lễ cúng chung cho cả bản: đại diện các hộ dân trong bản, có thể là nam hay nữ, mang lễ vật và hoa mào gà đến góp ở nhà già làng kiêm thầy mo của bản để tham gia tết chung. Tại nhà thầy mo, dân bản dựng một cây tre hoặc nứa trước bàn thờ tổ tiên của gia chủ, trên buộc hoa mào gà. Cây hoa tượng trưng cho cầu nối âm dương, con đường đi về của tổ tiên. Bếp thờ đặt trong gian bếp cúng với một số vật như: cây tre, hòn đá, bát nước cúng,... là nơi linh thiêng trong nhà, nơi các linh hồn tổ tiên trú ngụ khi trở về, nơi giao tiếp giữa người sống và linh hồn người đã khuất. Thầy mo ngồi ở gian bếp cúng nhóm lửa mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu, dân bản,  thực hiện các nghi lễ tại gian bếp thờ và trước bàn thờ tổ tiên. Thầy xướng mời các vị thần linh, tổ tiên về thụ lễ, thay mặt báo cáo tình hình chăn nuôi, mùa màng, sức khỏe của dân bản trong năm và cầu xin may mắn, sức khỏe cho năm mới. Kết thúc các nghi lễ, một hồi chuông thật dài vang lên vừa để thỉnh cầu thần linh, tổ tiên, vừa để thông báo cho dân bản Tết hoa chính thức diễn ra, các gia đình có thể thực hiện nghi lễ tại nhà và tổ chức hoạt động vui chơi.

Nghi lễ cúng riêng trong gia đình: mỗi gia đình dựng một đoạn cây tre hoặc nứa ở gian bếp cúng. Trên cây tre buộc hoa mào gà đỏ, vàng đan xen từ đốt thứ 2 từ trên xuống; buộc 2 ống rượu cần do gia đình tự làm và ống hút ở phần gốc tre. Lễ vật gồm: thịt, cá sấy, hoa mào gà, gà hoặc vịt sống. Chủ nhà ngồi bên mâm lễ mời thần linh, tổ tiên về ăn tết, báo cáo tình hình trong năm của gia đình và cầu xin sự phù hộ cho năm mới.

Sau lễ cúng tổ tiên, gia đình chuẩn bị mâm lễ vật, gồm: gạo, trứng, vòng tay, gà hoặc vịt cho lễ buộc chỉ cổ tay. Chủ nhà gọi những đứa trẻ trong gia đình đến ngồi quanh mâm lễ, khấn cáo thần linh, tổ tiên, sau đó, chủ lễ cắt tiết con vật hiến tế, lấy nhúm lông chấm vào tiết rồi dán lên trán em nhỏ để cầu mong sự quan tâm, phù hộ của thần linh, tổ tiên. Con vật được mang đi chế biến và đặt lại lên mâm cùng giỏ xôi trắng để chủ lễ gọi hồn cho trẻ và những người cầu xin sức khỏe, may mắn trong năm mới. Chủ lễ nắm xôi thành từng viên nhỏ, đặt lên đầu trẻ và những người tham dự để mời hồn ngự trị trên đỉnh đầu ăn. Cuối cùng, chủ lễ lấy chỉ buộc vào tay cho trẻ, người tham dự để được khỏe mạnh.

Các nghi lễ kết thúc là lúc cộng đồng múa hát dưới làn mưa hạt giống để mong ước bản mường ngày càng sinh sôi, phát triển.

Ngày hôm sau, cộng đồng tham gia các diễn xướng, trò chơi tập thể như: múa hổ, múa thu hái, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đánh cù...

Mền loóng phạt ái của người Cống ở tỉnh Điện Biên góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển và hình thành bản sắc văn hóa cộng đồng. Mền loóng phạt ái gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng để cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an đầu năm mới. Vì vậy, Mền loóng phạt ái của người Cống góp phần phản ánh, bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống, tri thức dân gian; giáo dục thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc. Mền loóng phạt ái cũng góp phần cố kết cộng đồng thể hiện qua hành động chung tay chuẩn bị, tham gia nghi lễ và các hoạt động vui chơi.

Sau các nghi lễ cúng, thầy mo đánh một hồi chiêng thật dài như một thông điệp thỉnh cầu đến các thần linh, tổ tiên về việc tổ chức Tết hoa, đồng thời là tín hiệu thông báo cho dân bản và du khách Tết hoa chính thức được diễn ra.

Tết hoa là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ. Những người con gái đi lấy chồng xa về thăm bố mẹ, anh em nội ngoại đến thăm nhau, hàng xóm láng giềng cùng quây quần uống cùng nhau ngụm rượu tâm tình chuyện hôm qua, hôm nay và ngày mai... Bí thư chi bộ bản Lả Chà - Mào Văn Chơ phấn khởi nói: “Người Cống rất tự hào về Tết hoa, tổ chức Tết hoa xong bà con rất phấn khởi, tin tưởng vào năm mới làm ăn phát tài hơn”.

Nguyễn Liên

Ảnh: Bạt Tuấn