Vừa qua, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (TFDA) thông báo trả lại 1,4 tấn mỳ ăn liền Omachi từ Việt Nam để tiêu huỷ. Theo đó, cơ quan này phát hiện lô mì ăn liền hương vị tôm chua cay Omachi nhập khẩu từ Việt Nam có chất Ethylene Oxide (EO) chưa được cấp phép sử dụng tại hòn đảo này.

Mì Omachi bị thu hồi: Tiêu chuẩn Ethylen Oxyde ở các nước thế nào?
Sản phẩm mì gói Omachi hương vị tôm chua do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có chứa Ethylene Oxide. Ảnh: CNA.

Theo FSAI, Ethylene Oxide là chất có hại cho sức khỏe con người. Đây loại hóa chất thường xuất hiện trong thuốc trừ sâu, chất khử trùng...Dù việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide không gây nguy hiểm cấp tính thì người tiêu dùng vẫn có khả năng gặp vấn đề về sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.

Tuy nhiên, quy định về chất EO có sự khác nhau ở mỗi quốc gia.

Tại Đài Loan, theo TDFA, chất EO hiện bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì chất này được phân loại là chất gây ung thư cấp một và việc phơi nhiễm lâu dài với chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư, và một số bệnh liên quan tới thần kinh.

Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) phân loại Ethylene Oxide vào danh mục chất độc gây đột biến, ung thư và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Vì thế, Ethylene Oxide không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại EU, đặc biệt ở quy trình chế biến. Cụ thể, tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng EO trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của EO dao động 0,01-0,05 mg/kg, tuỳ mặt hàng.

Còn Mỹ và Canada quy định trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng là 7 mg/kg với EO; 940 mg/kg với 2-chloroethanol.

Hàn Quốc cũng ban hành quy định tạm thời về giới hạn dư lượng cho phép đối với hợp chất 2-chloroethanol là dưới 30mg/kg đối với thực phẩm thông thường, dưới 10mg/kg đối với thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tại Australia và New Zealand, trước năm 2003, khu vực này cho phép sử dụng ethylene oxide trong xử lý nông sản và quy định ngưỡng giới hạn dư lượng là 20 mg/kg. Từ năm 2003, ethylene oxide đã bị loại bỏ khỏi danh sách chất được sử dụng nhưng có ghi nhận nguy cơ ethylene oxide tồn tại trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, Australia và New Zealand hiện không có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng đối với ethylene oxide.

Trong khi đó, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng ethylene oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng ethylene oxide cho phép trong thực phẩm.

Liên quan đến vụ mì Omachi bị tiêu hủy tại Đài Loan, đại diện Masan Consumer - nhà sản xuất thương hiệu mỳ trên - cho biết dù có sản xuất cho thị trường Đài Loan nhưng họ không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm mỳ Omachi xốt tôm chua cay cho đối tác có tên Công ty Qianyu.

Còn Bộ Công Thương cho biết đã nắm được thông tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm thuộc Cơ quan y tế và phúc lợi Đài Loan phát hiện mì ăn liền Omachi có chất cấm ethylene oxide (EO) xuất xứ từ Việt Nam và đang xử lý theo quy định. Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp báo cáo cụ thể về vấn đề này và sau khi xác minh, làm rõ sẽ thông tin cụ thể tới báo chí.

 

  (Theo Tri Thức và Cuộc Sống)