Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa cho biết, trong 2 ngày qua, Bắc Bộ đã xảy ra mưa rào và giông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Một vài điểm như Hòa Bình, Hà Giang ghi nhận lượng mưa 100-200mm, thậm chí Xuân Minh (Hà Giang) lên tới 290mm (tính đến 13h chiều 24/6).

Mới nhất, trong đêm qua và sáng sớm nay (25/6), lượng mưa tính từ 19h đến 3h có nơi trên 60mm như: Mậu Đông (Yên Bái) 82.6mm, Tân Minh (Phú Thọ) 76.6mm, Nam Cường (Lào Cai) 76.6mm, Hà Lang (Tuyên Quang) 67.6mm, Thị Hoa (Cao Bằng) 95.2mm, Lâm Sơn (Hòa Bình) 75.7mm, Hưng Phú (Nghệ An) 79.6mm, Yên Phong (Thanh Hóa) 60.4mm,…

Dự báo, từ sáng sớm nay đến sáng ngày mai, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ 50-100mm, có nơi trên 150mm; đồng bằng Bắc Bộ 30-70mm, có nơi trên 100mm; Bắc Trung Bộ 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Theo ông Tuấn, khu vực chịu tác động mạnh của mưa lớn cục bộ tập trung ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình và một số điểm ở phía Đông Bắc.

“Đây là hình thế thời tiết rất nguy hiểm khi lượng mưa cục bộ, xảy ra trong thời gian ngắn thường đi kèm các hiện tượng thiên tai khác nhau như lũ quét, sạt lở đất, lũ ống hay ngập úng ở các đô thị,…”, ông Tuấn nhấn mạnh.

mua QN.jpeg
Mưa lớn khiến các tuyến đường tại TP Uông Bí, Quảng Ninh ngập cục bộ trong đợt mưa 8-10/6. Ảnh: Q.M.G

Đồng thời, ông Tuấn lưu ý, mưa chủ yếu tập trung về đêm và sáng, ban ngày giảm về cường độ, sau đó lại lặp lại vào tối và đêm, kéo dài đến sáng. Do mưa lớn thời điểm này nên rất khó khăn trong công tác phòng chống, đặc biệt là khu vực vùng núi.

Riêng thời tiết Hà Nội, cũng do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với vùng xoáy thấp nên từ đêm 24/6 đến sáng 26, có mưa vừa, mưa to, có nơi nơi mưa rất to kèm giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 150mm. Từ đêm 26/6, khu vực giảm mưa, còn ở mức rải rác, lượng mưa 10-20mm.

Đánh giá về đợt mưa lớn này, ông Tuấn nói thêm, kịch bản tương tự như đợt đầu tháng 6 (từ 8-10/6) với tổng lượng mưa và khu vực xảy ra...

Ngoài ra, ông Tuấn nhận định xa hơn, khoảng ngày 28-29/6, trên khu vực Bắc và Trung Bộ khả năng xuất hiện nắng nóng trở lại và kéo dài đến đầu tháng 7. Trong đó, Trung Bộ có thể nắng nóng đến đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trong ngày trên 39 độ.

Khi bão xuất hiện, diễn biến nhanh và khó lường 

Về hiện tượng La Nina, chuyên gia Vũ Anh Tuấn thông tin, ENSO đang trong giai đoạn trung tính. Khoảng từ tháng 7-9, khả năng chuyển sang trạng thái La Nina xác suất 65-75%, từ tháng 10-12 là 70-90%. 

Ông Tuấn cho rằng, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina càng lớn. Với La Nina như vậy, sẽ gây ra diễn biến rất phức tạp trong mùa mưa bão năm 2024. 

Theo nhận định, từ nay đến cuối năm khả năng xuất hiện 10-12 cơn bão, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Không loại trừ khả năng nhiều cơn bão mạnh ở Biển Đông. 

Ông Tuấn đặc biệt lưu ý, khi bão xuất hiện trên Biển Đông thì diễn biến nhanh và rất khó lường, gây khó khăn trong công tác phòng chống. 

Các chuyên gia cũng dự báo, mưa lũ thường dồn dập về cuối năm. Với các tỉnh Bắc Bộ, tháng 7-8 mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; nhưng tháng 9-10 và đầu tháng 11, lượng mưa tăng lên từ 10-30%.

Đối với Trung Bộ, tháng 7-9, lượng mưa tăng hơn cùng thời kỳ khoảng 10-20%; đến tháng 10-11 và đầu tháng 12, khả năng tăng từ 20-40%; nguy cơ xảy ra hiện tượng ngập úng kéo dài, lũ lụt diện rộng, lũ quét sạt lở đất…